Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Đặc điểm sinh học Tôm càng xanh

ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC CỦA TÔM CÀNG XANH

1 Phân loại, phân bố tôm càng xanh
Tôm càng xanh có tên khoa học là Macrobrachium rosenbergii được De Man đặt tên vào năm 1897, có vị trí phân loại như sau:
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Arthropoda
Phân ngành (subphylum): Crustacea
Lớp (class): Malacostraca
Bộ (ordo): Decapoda
Phân bộ (subordo): Pleocyemata
Cận bộ (infraordo): Caridea
Họ (familia): Palaemonidae
Chi (genus): Macrobrachium
Loài (species): M. rosenbergii (De Man, 1897).



Tôm càng xanh phân bố rộng ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, Bắc châu Úc, Nam Trung Quốc và Đài Loan, từ vùng nhiệt đới đến cận nhiệt đới. Trong tự nhiên, tôm càng xanh phân bố ở nước ngọt lẫn nước lợ. Chúng phân bố ở hầu hết các thủy vực nội địa như sông, hồ, kênh, rạch, ao, đầm và vùng cửa sông. Ở Việt Nam, tôm càng xanh phân bố từ Khánh Hòa trở vào, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mặc dù hiện nay tôm càng xanh đã được di giống nuôi ở nhiều nơi ở Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc.
2 Đặc điểm hình thái, sinh học và chu kỳ sống của tôm càng xanh




Ấu trùng sống ở nước lợ - 2 tháng, khi trưởng thành sống trong nước ngọt. Tôm bột vừa mới biến thái có đặc điểm tương tự như tôm trưởng thành về cách di chuyển và bơi. Tôm càng xanh trưởng thành có màu xanh ở thân, con đực có đôi càng to màu xanh đậm, con cái có đôi càng nhỏ hơn. Tôm càng xanh trưởng thành không những dễ dàng phân biệt đực và cái qua đôi chân bò thứ hai (càng) mà còn qua cơ quan sinh dục như lỗ sinh dục đực nằm giữa gốc của đôi chân bò 5, lỗ sinh dục cái nằm ở gốc đôi chân bò 3. Theo Ling (1962) con cái tiết ra chất kích thích con đực sau khi lột xác tiền giao vĩ. Sự giao vĩ xảy ra giữa tôm đực có vỏ cứng và tôm cái thành thục vừa mới lột xác tiền giao vĩ (pre-moult). Các trứng thụ tinh được giữ ở bụng tôm mẹ và được dính lại nhờ các tuyến tiết chất dính ở các phụ bộ chân bơi, nó được ấp ở đây cho đến khi nở. Thời gian ấp trứng có thể thay đổi nhưng thường không quá 3 tuần. Các trứng được cung cấp oxy nhờ sự hoạt động tích cực của các chân bụng và các trứng được vệ sinh nhờ đôi chân ngực thứ nhất. Con cái tiến hành di cư ra cửa sông nơi có nồng độ muối 6 - 18‰ để trứng nở thành ấu trùng bơi lội phù du trong nước, giai đoạn ấu trùng thường kéo dài từ 4 - 6 tuần, tuỳ thuộc nhiệt độ nước, chất lượng nước và thức ăn. Hậu ấu trùng có tập tính bám, chuyển sang sống ở tầng đáy và bắt đầu di cư ngược dòng vào khu vực nước ngọt.
3 Đặc điếm dinh dưỡng
Ấu trùng mới nở dinh dưỡng bằng noãn hoàng, sau đó ăn động vật phù du và giáp xác nhỏ. Giai đoạn giống và trưởng thành là loài ăn tạp thiên về động vật, do vậy nhu cầu đạm trong thức ăn tôm phải từ 25 - 35%. Chúng có thể ăn các dạng hữu cơ phân hủy, động vật đáy, thực vật…Tôm rất háo ăn, chúng tìm thức ăn bằng cơ quan xúc giác, khi gặp thức ăn thì dùng đôi chân ngực đưa thức ăn vào miệng. Trong điều kiện thiếu thức ăn, tôm tranh giành thức ăn thậm chí ăn cả đồng loại ngay khi vừa mới lột xác.
4 Đặc diểm sinh trưởng
Trong quá trình lớn lên, tôm phải trãi qua nhiều lần lột xác. Thời gian để tôm hoàn tất lột xác diễn ra rất nhanh thường sau khi lột xác 3 - 5 giờ thì lớp vỏ mới sẽ cứng lại. Chu kỳ lột vỏ là thời gian giữa 2 lần lột xác liên tiếp nhau tuỳ thuộc vào kích cỡ, tình trạng sinh lý, điều kiện dinh dưỡng, điều kiện môi trường…Giai đoạn nhỏ tôm đực và tôm cái tăng trưởng tương đương nhau nhưng khi thành thục và sinh sản thì con cái tăng trưởng giảm vì nguồn dinh dưỡng tập trung cho sự phát triển buồng trứng do đó con đực trưởng thành có kích thước lớn hơn con cái cùng tuổi. Trong điều kiện nuôi, tôm bắt đầu phân đàn mạnh từ tháng thứ 3 trở đi.
5 Đặc điểm sinh sản
Tôm càng xanh thành thục và sinh sản sau 3 - 4 tháng nuôi tính từ giai đoạn tôm bột. Tôm sinh sản hầu như quanh năm, trong điều kiện tự nhiên tôm thường đẻ tập trung vào tháng 4 - 6 và tháng 8 - 10, tôm đẻ bình quân 4 - 6 lần/năm, chu kỳ tái phát dục từ 20 - 45 ngày. Quá trình giao vĩ, khi con đực thành thục có thể trạng khỏe mạnh (vỏ cứng), trong khi con cái chỉ tiến hành giao vĩ ngay sau khi hoàn tất lột xác tiền giao vĩ (pre-moult). Sau khi giao vĩ từ 6 - 20 giờ, con cái bắt đầu đẻ trứng, ở những con cái thành thục nhưng không giao vĩ vẫn đẻ trứng trong khoảng 24 giờ sau khi lột xác, tuy nhiên trứng không thụ tinh sẽ thoái hóa sau 2-3 ngày. Quá trình ấp trứng kéo dài từ 19 - 23 ngày ở nhiệt độ 25 - 31 độ C. Trong thời gian ấp trứng, màu trứng sẽ chuyển từ vàng sang cam, rồi xám hay nâu đậm khi nở. Sức sinh sản tương đối dao động từ 500 - 1.000 trứng/g.
6 Đặc điểm sinh thái môi trường
- Nhiệt độ: nhiệt độ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động sống của tôm. Tôm càng xanh sinh trưởng và phát triển bình thường ở phạm vi nhiệt độ 20-34 độ C, thích hợp trong khoảng 28 - 310C. Khi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp sẽ gây rối loạn sinh lý của tôm như ngưng bắt mồi, ít hoạt động, đục cơ,…
- pH: pH thích hợp cho tôm càng xanh phát triển từ 7 - 8,5. Khi pH thấp tôm sẽ nổi đầu, dạt vào bờ, mang đổi màu, tôm bơi lội chậm chạp và chết sau đó.
- Oxy hòa tan: Tôm càng xanh sống ở môi trường có hàm lượng oxy cao (trên 3 mg/l), dưới mức này tôm sinh trưởng và phát triển kém, tập trung ở ven bờ và chết sau vài giờ. Nếu hàm lượng vượt quá mức bão hòa cũng gây tác hại đến quá trình hô hấp (chứa nhiều khí trong hệ tuần hoàn làm cản trở lưu thông máu).
- Độ trong: thích hợp từ 25 - 40 cm, nếu nhỏ hơn 25 cm thì nước quá đục, điều này có thể gây ra tình trạng thiếu oxy hay cản trở hô hấp của tôm.

Đặc điểm sinh học Tôm càng xanh, Nguồn Chi cục Thủy sản Cần Thơ

1 nhận xét:

tôm càng xanh nấu lẩu thái thì còn gì bằng
Hoàng Nguyên Green

Đăng nhận xét