Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Kỹ thuật nuôi Sò Huyết

Kỹ thuật nuôi Sò Huyết


1. Điều kiện bãi nuôi
- Bãi nuôi thường chọn ở những nơi ít sóng gió và gần cửa sông. Chất đất tốt nhất là bùn mềm pha lẫn cát mịn, mặt bùn bằng phẳng, có màu vàng nâu, độ dày lớp bùn khoảng 3 - 6cm, chất đất cát pha bùn với tỷ lệ bùn chiếm khoảng 70 - 80%. Yêu cầu dày hay mỏng tùy vào kích cỡ của sò giống.

- Bãi nuôi tốt nhất là tuyến triều thấp với thời gian phơi bãi ngắn từ 5-6 giờ/ngày.

- Muốn sò sinh trưởng tốt nước phải chứa nhiều thức ăn (mùn bã hữu cơ, thực vật phù du và vi sinh vật). Bãi nuôi nên chọn gần cửa sông để nước sông bổ sung dinh dưỡng cho bãi, nhưng cần chú ý đến sự biến thiên nồng độ muối để tránh ảnh hưởng đến sò.

- Yếu tố môi trường :
+ Nhiệt độ thích hợp nhất là 15 - 30 độ C.
+ Nhiệt độ lớn hơn 40oC hoặc dưới -2 độ C sò bị chết.
+ Ðộ mặn phù hợp là 10 - 29‰
+ Độ mặn của nước < 3,8‰ hoặc > 33‰ sẽ ảnh hưởng khả năng sống của sò.

2. Xây dựng bãi nuôi
- Chọn nơi có bãi bằng phẳng, không bị ứ nước, nếu bãi quá rộng phải chia bãi ra thành từng ô nhỏ để dễ chăm sóc. Xung quanh nên chắn đăng hay lưới để ngăn chặn địch hại và không cho sò đi ra khỏi bãi.

- Làm vệ sinh mặt bãi, nhặt sạch tạp vật, nếu nền đáy cứng thì có thể xới cho xốp. Khi nuôi sò trong các đầm phải xây dựng một số hạng mục công trình như sau:

- Nếu nuôi đơn giản:
+ Tiến hành đóng cột mốc ở 4 góc làm ranh giới quản lý. Dùng đăng tre hoặc lưới căng xung quanh bãi thành rào chắn không cho sinh vật có hại xâm nhập vào bãi nuôi. Sau đó, dùng cây gỗ chắc chịu được nước đường kính 10-15cm, dài 1,5-2m làm thành cọc đóng thành hàng xung quanh bãi, mỗi cọc cách nhau 1m và đóng sâu 0,5m.
+ Dùng đăng lưới căng theo hàng dọc, chân đăng hoặc lưới cắm sâu dưới bùn 0,2m và cột chặt vào các cọc. Sửa sang lại bãi cho phẳng, không để ứ đọng nước, nhặt hết các tạp vật hại sò. Nếu bãi cứng phải cày bừa cho tơi xốp. Cách nuôi này tuy đầu tư ít song lại không bền vững, hàng năm phải thay cọc, lưới hoặc đăng gây nhiều tốn kém.

- Nuôi kiên cố:
+ Phải thiết kế bãi nuôi có hình chữ nhật và xây dựng kèm theo các công trình. Bờ bao xung quanh bãi phải đắp chắc chắn, mặt bờ rộng 2-2,5m, đáy bờ 3-3,5m, chiều cao của bờ 1,2-1,5m. Xây dựng thêm mương bao xung quanh phía trong bờ bao. Diện tích mương bằng 15-20% diện tích bãi nuôi. Thủy triều trước khi vào bãi qua mương được lọc lại bùn, cát và các tạp vật khác làm cho nước vào bãi trong sạch. Mương ngoài tác dụng là rào chắn không cho sinh vật có hại xâm nhập vào bãi còn có nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ trên bãi nuôi.
+ Phía trước bãi nuôi và đối diện với cửa cống cấp nước xây một bờ ngăn cao 0,6m, bề mặt 0,6m, cách bãi nuôi chừng 1,5m và cách cửa cống 1,5m, mục đích làm phân tán dòng chảy, giảm lưu tốc chảy của nước từ cống cấp vào bãi đảm bảo cho bãi nuôi không bị xói mòn.

* Bãi: là nơi trú của sò, vì thế cần làm bằng phẳng, cao trình mặt bãi phải đảm bảo thấp để có thể điều tiết nước dể dàng theo thủy triều trong quá trình nuôi.

* Cống: dùng để điều chỉnh lượng nước trong đầm, có thể xây dựng cống thô sơ hay kiên cố. Cống cấp và tháo nước nhằm điều chỉnh lượng nước trong bãi nuôi. Cống làm bằng xi măng, bằng gỗ hoặc bằng cây dừa.
Tùy theo diện tích đầm mà xây dựng cống có khẩu độ và số lượng thích hợp đảm bảo trao đổi nước đầy đủ.


3. Chọn giống
a) Vùng biển
- Sò hương phân bố nhiều trên các bãi triều vùng cửa sông trong Vịnh, vùng dưới trung triều số lượng rất nhiều 1260 con/m2 trong khi vùng hạ triều 760 con/m2 và vùng cao triều 139 con/m2 (vì vùng cao triều, thời gian khô hạn kéo dài, vùng hạ triều thường gặp địch hại).

- Trong cùng một vùng triều thì nơi nước chảy chậm ít hơn nơi nước chảy nhanh.

- Sò hương thích sống ở nơi có đáy bùn non hoặc bùn cát. Vì vậy, chất đáy ở các bãi Sò hương nên là bùn cát xốp mịn, trên mặt bằng phẳng.

b) Nhiệt độ và độ mặn của nước sông
Sò huyết có thể sống ở môi trường có nhiệt độ dao động từ 0 - 35oC, nhiệt độ thích hợp nhất là 15 - 30oC. Nhiệt độ cao hơn 40oC hoặc thấp dưới - 2oC đều khiến sò bị chết. Ðộ mặn phù hợp là 6,5 -29 . Ðộ mặn của nước thấp hơn 3,8 hoặc cao hơn 33 sẽ ảnh hưởng tới sức sống của sò, thậm chí khiến sò bị chết.

c) Chất đáy
Sò huyết ưa sống ở vùng bùn cát, bằng phẳng, bề mặt mềm, mịn. Bảng điều tra dưới đây cho thấy sò thích sống nhất ở nơi có chất đáy là bùn cát, thứ đến là bùn nhão, sống ít hoặc không sống tại nơi có chất đáy nhiều cát ít bùn.


d) Thuỷ triều
Sò có thể sống tại cả ba khu vực: Nơi có thuỷ triều cao, thuỷ triều vừa và thuỷ triều thấp. Nhưng số lượng của sò huyết tại ba khu vực này rất khác nhau. Theo điều tra của nhóm tác giả thì khu vực thuỷ triều vừa và thấp có sò huyết sống nhiều hơn cả.


4. Nguồn giống
- Sò cung cấp cho nghề nuôi sò hiện nay chủ yếu là giống tự nhiên cho nên trước khi tiến hành lấy giống cần phải điều tra, dự báo diện tích bãi giống, trữ lượng giống để có thể chủ động trong sản xuất. Xác định diện tích qua điều tra vùng phân bố của sò giống và xác định trữ lượng giống bằng các lấy mẫu sinh lượng, dựa trên diện tích bãi giống và sinh lượng để tính ra trữ lượng giống.

- Thời điểm lấy giống nên tiến hành khi phát hiện giống khoảng 10 - 15 ngày (giống cỡ 25 - 30 ngàn con/kg). Có hai cách lấy giống.

4.1 Lấy giống lúc bãi cạn
Khi triều xuống lộ mặt bãi, dùng cào cào lớp bùn trên mặt sau đó dùng sàng, rổ để đãi bùn loại bỏ rác, tạp vật để lấy sò giống. Mỗi lần lấy giống xong phải san lại mặt bãi cho bằng phẳng để thu giống sò đợt sau.

4.2 Lấy giống lúc bãi ngập nước


Cách lấy giống này qui mô hơn, thường tiến hành vào những ngày yên sóng hoặc lúc triều bắt đầu xuống nhưng nước còn ngập bãi. Dụng cụ gồm thuyền máy có lưới cào hoặc dùng cào tay, cào lớp bùn trên mặt để thu giống.

5. Vận chuyển giống
- Sau khi lấy giống có thể vận chuyển giống bằng phương pháp giữ ẩm.Trong quá trình vận chuyển con giống tránh để sò tiếp xúc với nước ngọt đặt biệt là nước mưa, thời gian vận chuyển con giống không quá 6 giờ, sò giống được đựng trong cập đệm hoặc bao bố, để nơi thoáng mát vận chuyển bằng xe hoặc tàu thuyền, thường xuyên tưới nước biển lên các bao đựng sò giống để sò dễ hô hấp.

- Ở nhiệt độ thấp thời gian cho phép để vận chuyển lâu hơn và tỉ lệ sống cao hơn.

6. Kỹ thuật thả giống
6.1 Thả giống
Mật độ thả giống dựa vào kích cỡ sò to hay nhỏ để quyết định. Ðối với sò giống có kích cỡ trên 60.000 con/kg thì mỗi ha thả 180 - 300 triệu con, cỡ sò đạt 40.000 con/kg thả lượng giống là 135 - 150 triệu con/ha, sò giống dưới 20.000 con/kg sẽ thả 72 - 108 triệu con/ha. Thời điểm thả giống phải thích hợp, không được thả khi thuỷ triều rút mạnh, tránh sò bị cuốn trôi ra biển.

6.2 San thưa sò giống
- Trong quá trình nuôi dưỡng, phải tiến hành san thưa sò giống. Lần đầu tiên là khi sò giống mới được khai thác. Sau khi rửa sạch sẽ lại chia nhỏ số lượng để thả nuôi trở lại.

- Làm sạch thực chất là hình thức tập luyện cho sò giống thích ứng với hoàn cảnh sống mới, hơn nữa loại bỏ được những sinh vật gây hại như loại ốc ngọt (Natica tigrina).

- Nuôi thưa có thể thực hiện bằng cách mở rộng diện tích, hoặc di chuyển một bộ phận sò giống đến nơi khác nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của sò.

- Sò giống sống ở tầng mặt, chiều dài trung bình khoảng 0,5 - 0,6cm, độ sâu của huyệt khoảng 0,5cm, về sau tuỳ thuộc vào sự tăng trưởng của từng cá thể mà độ nông sâu của huyệt sẽ khác nhau.

- Sò giống có khả năng di chuyển ngang mặt nước, chúng di chuyển nhiều nhất khi có kích cỡ dưới 0,1 cm, lúc này người nuôi sò phải để ý xem sự phân bố của sò giống có đều hay không, tránh trường hợp sò bị túm tụm quá nhiều sẽ tìm cách di chuyển ra khỏi đầm nuôi.


- Sò giống tốt thường có màu trắng hồng, sạch sẽ, không lẫn tạp vật. Tránh thả giống có mùi hôi hoặc lẫn các sinh vật địch hại như cua ốc. Nên thả giống khi nước còn ngập bãi 10-15 cm để sò không bị phơi nắng vá có thời gian chui xuống bùn. Có thể dùng thuyền đi trên bãi rải giống đều khắp mặt bãi. Lượng giống thả khoảng 7-22 ngàn con/m2 (với cỡ giống 20-60 ngàn con/kg). Tránh thả giống nước chảy mạnh sò dể bị cuốn trôi theo dòng nước.


* Lưu ý: Quyết định mật độ thả con giống dựa vào những nguyên tắc sau:
- Triệt để tận dụng khả năng sản xuất tại vùng biển có đầm nuôi sò, nơi mà phần lớn các yếu tố hữu quan đều không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sò.

- Sò giống nếu thả quá dày thì lượng thức ăn cung cấp cho sò không đủ làm hạn chế tốc độ sinh trưởng, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.Mật độ thả giống phụ thuộc vào điều kiện của vùng nuôi và phụ thuộc vào kích cỡ con giống, đặc điểm từng vùng. Trung bình nên thả sò với số lượng như sau:


7. Chăm sóc, quản lý
- Trong quá trình nuôi cần chú ý sự thay đổi của các yếu tố môi trường, nhất là nồng độ muối. Vào mùa mưa các vùng gần cửa sông nồng độ muối thường giảm đột ngột ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của sò.


- Màu sắc của bãi nuôi và sự sinh trưởng của sò có liên quan theo một qui luật:
+ Mặt bãi màu đen hoặc hơi nâu sẽ có nhiểu sinh vật làm thức ăn cho sò, chúng sẽsinh trưởng nhanh.
+ Mặt bãi màu xanh hoặc vàng chúng tỏ các loại tảo đáy mọc dày, không có lợi cho sò.
+ Mặt bãi màu trắng chứng tỏ có sóng lớn cuối trôi bùn ra khỏi bãi.

- Hàng ngày nên thường xuyên kiểm tra bãi sò, các hệ thống lưới, đăng chắn... để kịp thời sửa chữa.

- Kiểm tra điều kiện môi trường, tình trạng bãi nuôi nhằm hạn chế những bất lợi cho hoạt động sống của sò.

- Trong quá trình nuôi nên định kỳ cào sò xung quanh lưới chắn để san thưa vì sò thường tập trung xung quanh lưới chắn. Việc cào sò để san thưa cũng giúp tiêu diệt địch hại.

8. Thu hoạch
- Nuôi sau 1 năm thì có thể thu hoạch.

- Cỡ thu hoạch phổ biến là 40 - 60 con/kg.

- Dùng cào tay hoặc cào máy để thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

- Thu hoạch có thể tiến hành quanh năm tùy theo thị trường, nhưng tốt nhất nên thu hoạch vào thời điểm sò thành thục sinh dục sẽ cho sản phẫm chất lượng cao.

Kỹ thuật nuôi sò huyết, Nguồn: Sở Nông nghiệp Bến Tre.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét