Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Kỹ thuật trồng Cà Phê

Kỹ thuật trồng Cà Phê



1.Chuẩn bị đất trồng cà phê
- Đất trồng phải là đất tốt, tầng đất dày, tơi xốp, dễ thoát nước, giàu dinh dưỡng. Nếu phải trồng lại trên chu kỳ trước đã trồng cà phê thì phải trồng cây cải tạo đất như các cây họ đậu từ 2 - 3 năm.

- Đất chu kỳ trước đã bị bệnh thối rễ thì không nên trồng lại cây cà phê mà cần phải luân canh với cây trồng khác.

2.Thiết kế vườn cây
- Vườn cà phê thiết kế hoàn chỉnh ngay từ đầu đảm bảo yêu cầu sau:
+ Thâm canh tăng năng suất lâu dài
+ Bảo vệ đất chống xói mòn
+ Bảo vệ cây trồng, chống các yếu tố thời tiết bất thuận (sương muối, gió nóng, bão)
+ Bảo đảm cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, vận chuyển.
+ Tiết kiệm đất (đất dành cho đai rừng và đường đi dưới 15%)

- Tuỳ theo địa hình bằng phẳng hoặc dốc mà thiết kế vườn cây thành từng lô, mỗi lô 16 - 20 ha. Chiều dài của lô song song với đường đồng mức. Mỗi lô được phân thành từng lô nhỏ 1 ha (50x100m) để tiện quản lý. Chiều dài hàng cà phê trong lô là 50 m, chiều dài hàng cà phê trong 1 lô là 400 - 500m.

- Xung quanh mỗi lô có các đai rừng và đường vận chuyển chính đồng thời là đường quay máy vuông góc với hàng cà phê, rộng 7 - 7,5m (tính từ gốc cà phê đến chân đai rừng). Nếu bề rộng của khoảnh là 400 m thì có 1 đường trục chính giữa song song với hàng cà phê rộng 6m.

- Các đường phụ giữa các lô rộng 5 m (tính từ gốc cà phê lô này sang gốc cà phê lô kia).

- Nếu địa hình có độ dốc trên 80 phải chú ý thiết kế đảm bảo cho cơ giới chăm sóc và vận chuyển, bảo đảm các biện pháp chống xói mòn như thiết kế hàng cây theo hình đồng mức (vành nón), trồng cà phê theo kiểu nanh sấu, trồng các băng cây chống xói mòn.

- Đối với hộ nông dân có diện tích nhỏ thì không cần phải phân lô, tuy nhiên phải trồng theo đường đồng mức.

3. Đào hố, trộn phân lấp hố
- Kích thước hố đào: Đất tốt đào dài 40cm, rộng 40cm và sâu 50cm. Đất xấu đào dài 50cm, rộng 50cm và sâu 60cm

- Trộn phân lấp hố: Phân hữu cơ, lân trộn đều với đất mặt và lấp xuống hố. Hỗn hợp đất phân lấp cao hơn mặt hố từ 10 - 15cm. Trộn phân, lấp hố phải xong trước khi trồng mới khoảng 1 - 2 tháng.

- Liều lượng phân cho 1 hố: Phân hữu cơ 10 - 15 kg, phân lân 0,5 kg.

4. Khoảng cách, mật độ trồng
- Cà phê chè Catimor khoảng 5.000cây/ha, hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1m. Nếu đất xấu có thể trồng dày hơn.

- Cà phê vối (Robusta): 3,5x2,5m tương ứng 1.330 cây/ha, trồng 1 cây/hố; 3,0x2,5m tương ứng mật độ 2.660cây/ha, trồng 2 cây/hố

5. Thời vụ trồng
Trồng đầu mùa mưa là tốt nhất. Những vùng có nước tưới thì có thể trồng cuối mùa mưa nhưng phải đảm bảo đủ nước.

6. Kỹ thuật trồng cà phê
- Dùng cuốc móc 1 lỗ nhỏ giữa hố sâu 25 - 30cm, rộng 15 - 20cm ở chính giữa hố đã được lấp trước. Xé túi ni lon, nhẹ nhàng đặt cây vào giữa hố, điều chỉnh cây đứng thẳng, lấp đất từ từ vừa lấp vừa dùng tay nén chặt đất, lấp đất ngang mặt bầu. Trồng xong cần làm bồn tạo thành bờ xung quanh hố.

- Phải cẩn thận tránh không làm vỡ bầu. Đặt bầu sao cho mặt bầu âm dưới mặt đất 7 - 10cm để dễ đánh ổ gà, đắp bùn giữ nước cho cây.

- Cây trồng thẳng và ém đất quanh bầu thật chặt, không làm vỡ bầu.

- Sau khi trồng cây xong phải thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc bảo vệ cây: Đánh bồn, tủ gốc bằng rơm rạ, rác, cỏ thành vòng tròn, cách gốc 20cm dày ít nhất 20cm, trên phủ nhẹ một ít đất cho rác dẹp xuống.

- Phun thuốc trừ sâu Confidor 100 SL để chống mối.

7. Tủ gốc, che túp
Ngay sau khi trồng xong cần tiến hành tủ gốc cho cà phê. Dùng rơm rạ, cỏ khô, cây phân xanh... tủ gốc với độ dày 5 - 10cm, cách gốc 5 - 10cm để tránh mối làm hại cây. Ở những nơi sau thời gian trồng mới thường gặp hạn cần che túp. Mùa mưa không cần che túp song mùa nắng che túp có tác dụng chống gió, chống hạn, chống rét.

Kỹ thuật trồng cà phê, Nguồn: Khuyến nông Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét