Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Kỹ thuật trồng, nhân giống và chăm sóc Địa Lan

Kỹ thuật trồng, nhân giống và chăm sóc Địa Lan




Trồng và chăm sóc cây địa lan là mối quan tâm của nhiều người, nhân giống nó để có nhiều chậu lan đẹp! Xin chia sẻ cách thức cơ bản để tách nhánh địa lan, trồng và chăm sóc theo cách truyền thống. Trồng lan phải tuân thủ theo 02 nguyên tắc: dinh dưỡng, liều lượng và bị chi phối bởi 08 yếu tố:
- Giống
- Bón phân
- Nước tưới và độ ẩm
- Thoáng gió
- Ánh sáng
- Nhiệt độ
- Giá thể trồng
- Phòng trị bệnh

Ánh sáng nghe có vẻ như không liên quan gì đến nguyên tắc dinh dưỡng và liều lượng? Nhưng ánh sáng quyết định sự quang hợp tạo sinh chất cho cây vậy có phải là dinh dưỡng không. Cường độ ánh sáng lớn nhỏ trong ngày và khoảng thời gian chiếu sáng trong ngày. Về thoáng gió nghe có vẻ lại càng không liên quan gì đến dinh dưỡng và liều lượng? Thật ra nói thoáng gió là muốn nói đến lượng gió_cường độ gió. Gió ngoài tác dụng bài khí tù trong vườn làm dảm khả năng sinh nấm mốc gió còn mang hơi ẩm chứa các loại khoáng hoà tan trong không khí đến cho cây-vì lan là loài phụ sinh nên hấp thụ dưỡng chất cả bằng lá.

1. Kỹ thuật trồng địa lan
Trồng lan nói chung và địa lan nói riêng đều phải tuân thủ theo 02 nguyên tắc

a) Nguyên tắc dinh dưỡng
- Địa lan truyền thống được lưu truyền từ xưa đến nay bằng phương pháp sinh sản vô tính. Vì vậy cây giống khi tách ra phải to khoẻ vẩy giả - củ phải căng tròn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng để phát triển và sinh sản. khi tách lan trước đây các nghệ nhân kiêng lấy dao cắt mà phải lấy tay vặn. Mỗi tay cầm một củ và vặn ngược chiều nhau cho đến khi hai thân đó đứt rời nhau tuyệt đối không được cầm mỗi tay một củ mà bẻ ngang sang hai bên tay. Có như thế thì trong quá trình vặn sẽ làm chỗ tiếp giáp giữa hai cây co thắt chặt lại - thắt chặt các ống mao dẫn để giữ cho cây không mất nước. Khi ra lan cố gắng hạn chế tới mức tối thiểu những tổn thương của rễ, vì rễ lan rất dòn nên dễ gẫy. rửa sạch khóm lan mới tách đó rồi mới cắt bỏ những chỗ lá thối và rễ thối, nhớ là chỉ bỏ lá thối thôi còn lá có già mấy cũng để đấy vì lan hấp thụ dưỡng chất đa phần bằng lá và ở những cây già thì đa phần là rễ đã hỏng.nhiều người sợ cây lan mất nước do thoát hơi ở lá nên cắt bớt lá đi (đó là 1 sai lầm mà nên hạn chế sự thoát hơi nước bằng cách đưa lan vào chỗ râm mát). Rễ lan gẫy ở đâu là cắt ngay ở đó bạn đừng tiếc, một vết gẫy của rễ mà không được cắt đi thì đấy là nơi phát sinh ra nốt thối và phá hỏng hoàn toàn phần rễ còn lại cũng như mầm bệnh tấn công lên cây lan.

- Ngày nay ta có thể dùng dao để cắt - tách lan. Vết cắt đứt ngọt các ống mao dẫn khiến cây bị chẩy nhựa ở vết cắt rất nhiều nếu la không vít lại. Không nên lấy que sắt nóng dí vào đây, nhiệt độ cao sẽ làm chết một số mắt ngủ tập trung chủ yếu ở khu vực này. Trước đây người ta hay lấy vôi bôi vào vết cắt ngày nay ta lấy nhựa thông ngâm tan trong cồn bôi vào vết cắt ở thân cũng như vết cắt ở đầu rễ để chống mất nước. Khi thấy nhựa thông khô là đem trồng được ngay, trước đây họ hay hong cho cây lan một hai ngày về bản chất chỉ là đợi cho các vết cắt khô nhựa rồi mới trồng.

- Nên chọn đơn vị tách chiết khoẻ và chọn thời điểm tách chiết vào đầu mùa sinh trưởng nhằm giúp cây không mất nước, đảm bảo vệ sinh khi tách chiết đấy là nguyên tắc về dinh dưỡng.

b) Nguyên tắc về liều lượng
- Về chất lượng cây con thì tách 3 giả hành cây con khoẻ hơn tách 2 giả hành, 2 giả hành cây con khoẻ hơn tách một giả hành, nhưng về số lượng cây con thì lại theo chiều ngược lại.

- Về thời gian thì chậu lan 3 năm mới tách thì tách thì tách đơn cây con vẫn khoẻ và đẻ sai hai năm tách thì bình thường còn một năm đã tách thì cây con rất yếu.

- Kinh nghiệm cho thấy một số nhà vườn vì chạy theo lợi ích mà hằng năm họ tách đơn các giả hành liên tục để cho cây đẻ nhiều. Cho nên một số nhà vườn bây giờ hay giữ lại những chậu đẹp để làm giống.

- Cho nên các cần lưu ý tới tới nguyên tắc: lựa chọn để sàng lọc giống tốt, đẻ khoẻ, sai hoa , tách cụm cho cây khoẻ và hai tới ba năm hãy san chậu.

2. Thời Điểm Tách Nhánh
- Có câu "Cửu nguyệt phân lan", theo cách hiểu thông thường nghĩa là Tháng Chín (Âm lịch) là thời điểm tách nhánh địa lan phù hợp nhất. Có thể giải thích rằng: vào thời điểm này, mầm mới của cây địa lan đã phát triển hoàn thiện, củ địa lan đã hình thành, lá đã phân chia đầy đủ và tích lũy dinh dưỡng chuẩn bị cho hoa. Cây bắt đầu vào mùa nghỉ. Một lợi điểm nữa của việc tách nhánh lan vào tháng Chín, đó là, tách nhánh vào lúc này, tỉ lệ ra hoa thấp, cây sẽ phát triển mầm cao hơn, do đó, đối với mục đích nhân giống nhanh, ta sẽ có thể có củ địa lan sinh sôi nảy nở 2 lần trong 1 năm. Tuy nhiên, ngược lại, phải chấp nhận bỏ chơi hoa trong lần tách chiết này.

- Mùa Xuân, sau khi hoa địa lan đã tàn cũng là thời điểm tách nhánh cây địa lan thích hợp nhất. Mùa này vạn vật thăng hoa, cây cối đâm chồi nảy lộc nên tỉ lệ cây tách nhánh sống sót rất cao.

3. Chuẩn Bị tách
a) Cây giống
Chậu lan cần tách chiết hoặc có thể là các khóm lan mới khai thác về, lan mới mua từ các vườn lan.

b) Chậu trồng lan
Yêu cầu đối với chậu trồng địa lan cần đảm bảo một số yếu tố:
- Phù hợp: chậu trồng cây gì thì phải phù hợp với dạng cây đó, sao cho cân đối hài hòa với tổng thể cây trồng. Chậu trồng cây cũng phải phù hợp với diện tích vườn lan, không nên lựa chọn chậu quá to trong khi diện tích quá nhỏ, không nên dùng chậu quá to để trồng một khóm lan nhỏ,...

- Tính thẩm mỹ: Vẻ đẹp của cây địa lan thể hiện cả ở dáng cây, dáng lá, hình thái hoa và hương thơm. Do vậy, chậu trồng nó cũng phải đảm bảo sao cho tôn vinh vẻ đẹp của cây địa lan thêm bội phần.

- Đảm bảo cho sự phát triển của cây: chậu gì thì cũng phải đảm bảo độ thoát nước, và chứa đủ giá thể để cho cây có thể phát triển một cách tốt nhất. Nếu chậu có lỗ thoát nước nhỏ, có thể khoan thêm lỗ dưới đáy chậu hoặc thành chậu để nước có thể thoát dễ dàng sau khi tưới, tránh gây úng cho cây lan.

- Các yếu tố khác: Tùy theo mục đích của việc trồng lan mà lựa chọn loại chậu trồng sao cho phù hợp, trồng lan thương mại thì nên chọn chậu có giá thành vừa phải, hợp lý, trồng lan thưởng thức có thể lựa chọn các loại chậu thật đẹp...

c) Giá thể
- Có thể trồng địa lan bằng rất nhiều loại giá thể khác nhau như : đất cục, xỉ than, than củi, trấu, đá, vỏ lạc, vỏ thông, dớn cọng, dớn mềm,... Tuy nhiên, giá thể phải đảm bảo yêu cầu sao cho luôn "ẩm nhưng không được ướt" là nguyên tắc quan trọng nhất. Ngoài ra, chọn loại giá thể gì để trồng lan cần phù hợp với khí hậu vườn lan của mình. Dưới đây xin giới thiệu cách trồng sử dụng đất luyện theo cách truyền thống.

- Đất trồng lan phải là loại đất bùn ao, đất sú, đã phơi khô nỏ qua nhiều nắng, phơi được càng lâu càng tốt. Yêu cầu của đất trồng lan phải không được phân rã khi gặp nước tưới. Muốn biết đất có dùng để trồng địa lan được hay không, có thể chặt ra 1 cục nhỏ cỡ đầu ngón tay, ngâm vào nước vài giờ, nếu đất không bị phân rã ra là được.Nếu công phu hơn thì phải luyện đất, luyện theo cách "Cửu tẩm, cửu trưng" (chín lần tẩm, chín lần phơi) của các cụ, tức là đất bùn ao sau khi lấy về phơi nỏ, đập nát ra, nhào trộn với lông lợn, tóc rối... đóng bánh, phơi khô cho cứng lại, tiếp tục tẩm nước ốc, nước hến, nước giải pha loãng... cứ tẩm rồi lại phơi đủ chín lần là dùng được. Để đảm bảo đáy chậu có thể thoát nước dễ dàng nên lót 1 phần lõi keo của xỉ than tổ ong đập cục to cỡ nắm tay, hoặc mút xốp, hoặc vỏ ốc.

- Dụng cụ tách nhánh: dao, kéo nhọn, keo bôi vết cắt (hoặc vôi, sơn móng tay, nhựa thông, keo 502).

d) Tách Nhánh
- Gỡ bỏ một phần chất trồng trên bề mặt chậu lan.

- Hơi nghiêng chậu, dùng tay vỗ mạnh xung quanh thành chậu cho chất trồng bong ra khỏi thành chậu.

- Khi bộ rễ đã long ra khỏi chậu và chất trồng nhẹ nhàng rút cả cụm lan ra khỏi chậu.

- Dùng kéo nhọn, cắt bỏ các rễ đã hư thối, cắt sâu vào phần đã thối 3-4 cm, cố gắng giữ lại các rễ vẫn còn tươi.

- Nếu chất trồng bị nấm trắng hoặc có mùi mốc thì cần phải rửa sơ bộ rễ của cây, tuyệt đối không rửa quá sạch làm mất vi khuẩn cộng sinh trên rễ lan.

- Xác định hướng phát triển của cây để tách nhánh, thường tách mỗi cụm lan 3 đơn vị để cây có thể phát triển mạnh nhất, tuy nhiên, nếu muốn nhân giống nhanh có thể tách rời từng thân một, với điều kiện các thân một tách rời phải hoàn toàn khỏe mạnh, không sâu bệnh và còn rễ sống.

- Bôi keo hoặc vôi vào tất cả các vết cắt.

- Để cây lan mới tách vào chỗ râm mát trong vòng nửa ngày đến 1 ngày là có thể trồng lại được.

- Nếu chậu lan đang phát triển bình thường, giá thể vẫn tốt mà muốn tách nhánh để nhân giống nhanh, những người trồng lan có kinh nghiệm thường sử dụng phương pháp tách ngầm, tách ngay trên chậu mà không phải đổ cây ra trồng lại bằng cách: Xác định điểm cần tách nhánh, dùng tay đẩy các nhánh hơi tách nhau ra, dùng lưỡi dao thật mỏng, dài và sắc (thường dùng loại dao mổ có cán, và loại lưỡi dao dùng 1 lần bán tại các hiệu thuốc Tây Y) cắt giao điểm của các nhánh lan, sau đó, dùng lưỡi dao vừa cắt đó, nhúng vào dung dịch keo bôi liền vết cắt, bôi vào chỗ vừa cắt. Ngưng tưới nước, tránh mưa trong vòng vài ngày cho vết cắt liền sẹo, sau đó chăm bón trở lại.

- Trong trường hợp nếu phát hiện cây bị nấm bệnh, cần xử lý nấm bệnh trước khi trồng lại bằng cách: cắt toàn bộ phần rễ, lá bị nấm bệnh, loại bỏ củ già bị thối, ngâm toàn bộ cây lan vào dung dịch thuốc trừ nấm như Ridomil (3g/1 lít nước) trong vòng 15 phút, sau đó mang hong khô vài giờ, ngâm lại bằng dung dịch kích thích sinh trưởng loãng như B1, Atonic,... trong vòng 15 phút, lại hong khô, sang hôm sau có thể trồng lại được.

e) Trồng Lại
- Cây lan tách nhánh sau khi xử lý và hong khô cho se vết cắt, đem ra trồng lại.- Chậu trồng lan, nếu là chậu dùng lại nên rửa sạch bằng xà phòng, để ráo nuớc. Nếu trồng bằng chậu đất nung hoặc chậu gốm nên ngâm nước trong 1 ngày rồi mới đem ra trồng, để tránh việc chậu đất nung hoặc gốm khô hút nước ngược từ giá thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lan.

- Lót dưới đáy chậu khoảng ¼ chiều cao chậu là lõi xỉ than, hoặc than củi to, hoặc mút xốp, hoặc vỏ ốc,... chú ý không được bít vào lỗ thoát nước của chậu, nếu lỗ thoát nước của chậu nhỏ quá có thể khoan rộng ra và khoan thêm lỗ bên đáy và 2 bên hông

- Dùng dao chặt nhỏ đất cục ra cỡ bao diêm, xếp đất vào chậu theo thứ tự to trước, nhỏ sau, và đất to được xếp sát xung quanh thành chậu lên sát mép chậu.

- Đặt khóm lan vào chính giữa chậu, chú ý hướng phát triển của khóm lan quay ra thành chậu.

- Nếu trồng nhiều nhánh nhỏ trong 1 chậu để có được 1 chậu lan xum xuê thì khi đặt lan vào chậu nên cố định cho từng khóm nhỏ hoặc từng nhánh lan bằng cách cắm que tre, và cột nhánh lan vào que đó, phân bố đều các khóm lan trên mặt chậu

-Nếu khóm lan có nhiều rễ thì chỉ cần gác 1 chiếc que nhỏ ngang miệng chậu, đặt khóm lan lên trên chiếc que rồi cho giá thể trồng vào giữa là cây có thể đứng vững. Hoặc có thể dùng 1 cục đất dài, cho đặt khóm lan ngồi lên trên cục đất và xếp giá thể nhỏ xung quanh.

- Cho đất nhỏ cỡ ½ - ¼ bao diêm chèn nhẹ nhàng xung quanh bộ rễ của khóm lan từ dưới lên trên, sau mỗi lớp đất vừa xếp, cho thêm 1 lớp mỏng chất mùn (dớn cọng vụn nát, trấu ủ phân chuồng hoai mục, mùn dừa,...), cứ như thế cho đến khi ngập dần lên gần gốc lan yêu cầu của khóm lan khi trồng vào chậu và cho giá thể phải đảm bảo giá thể ngập rễ và củ nổi lên trên giá thể, tránh để củ ngập trong giá thể, dễ bị thối do nấm bệnh.

- Xếp đất dần lên cho miệng chậu phình hình chiếc bánh, vừa xếp vừa vỗ xung quanh thành chậu cho giá thể khít chặt vào nhau

- Phủ lên trên bề mặt giá thể một lớp rêu nước để giữ ẩm bề mặt và tạo rêu xanh cho đẹp.

- Tưới đẫm nước cho chậu lan.

- Đặt cây vào chỗ râm mát, tránh nắng tuyệt đối 1-2 tuần.

- Hàng ngày pha B1 thật loãng cỡ 1cc cho 5 lít nước và phun sương ẩm cho chậu lan kích thích ra rễ nhanh. Trong thời gian này, tuyệt đối không được bón bất kỳ một loại phân bón gì (trong vòng khoảng 2-3 tháng).

- Khi thấy khóm lan nhú rễ, bật mầm, căng tròn trở lại (sau khoảng 1 tháng) thì có thể chuyển cây ra vị trí chăm sóc bình thường cùng với các cây lan khác. Không nên dùng phân bón cho cây khi cây chưa phát triển trở lại.

- Và cuối cùng là chỉ việc chăm sóc chậu địa lan chờ Xuân đến khoe sắc, tỏa hương.

4. Kỹ thuật chăm sóc
Trồng cây đã khó, chăm sóc nó quanh năm để Tết đến Xuân về nó thưởng cho ta những bông hoa đẹp lại càng khó hơn. Trong quá trình chăm sóc cây địa lan cần chú ý đến một số vấn đề cơ bản sau:
- Thứ nhất: tạo tiểu vùng khí hậu cho vườn lan. Cây địa lan việt cũng như những cây địa lan xuất xứ từ Châu Á khác, cần có nhiệt độ mát, lạnh và nhiều ánh sáng để phát triển tốt nhất. Để đảm bảo được nguyên tắc như vậy cần chú ý đến việc tạo tiểu vùng khí hậu cho vườn lan, mà đặc biệt là các yếu tố sau đây:
+ Ánh sáng: cây địa lan cần ánh sáng tán xạ khoảng 70 - 80%. Nếu lá cây có màu xanh vàng nhạt là đủ ánh sáng, lá cây màu xanh đậm cần phải tăng thêm lượng chiếu sáng. Kiểm soát yếu tố này thông qua việc che lưới phù hợp cho vườn lan.
+ Nhiệt độ: Cây Địa lan phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 24 – 29 độ C. Vào thời kỳ ra hoa, nhiệt độ ban đêm cần phải lạnh từ 10 – 15 độ C để cây phát triển chồi hoa. Nhiệt độ tối ưu cho cây vào thời kỳ chuẩn bị ra hoa là khoảng 7,5 -13 độ C vào ban đêm và 18 – 24 độ C vào ban ngày. Sau khi cây đã có chồi hoa, nên duy trì nhiệt độ trong khoảng từ 13 - 24 độ Cđể cành hoa phát triển tốt. Kiểm soát nhiệt độ trong vườn ta có thể dùng nhiệt kế để theo dõi, giảm nhiệt độ bằng cách đặt các khay nước tạo ẩm dưới giàn lan, tưới nước hoặc phun sương xung quanh vườn lan vào những lúc nhiệt độ quá cao. Tăng nhiệt giữ ấm cho cây trong thời kỳ quá lạnh bằng cách che nilon xung quanh vườn.
+ Độ ẩm: cần đảm bảo rễ cây luôn ẩm nhưng không được ướt lâu, không được để cho cây bị quá khô rễ. Tăng lượng nước tưới trong giai đoạn cây phát triển, nhất là sau khi ra hoa. Khi cây đã phát triển hoàn toàn (khoảng tháng 9 Âm lịch) giảm lượng nước tưới, chỉ cung cấp lượng nước tối thiểu trong khi cây chuẩn bị ra chồi nụ. Khi có chồi nụ thì phải tưới đủ nước cho cành hoa phát triển tốt nhất.Có thể theo dõi lượng nước cần tưới qua việc nhìn lá cây lan, nếu cây khỏe mạnh bị thiếu nước, lá sẽ hơi nhăn, khi tưới nước, lá cây sẽ căng trở lại.

- Độ thông thoáng: Vườn lan cần có sự đối lưu không khí ở mức vừa phải để cây lan phát triển tốt nhất. Nếu gió quá nhiều có thể gây hại cho cây do tứoi nước quá nhiều. Nên che một lượt lưới xung quanh vườn lan để chắn gió mạnh, khi ít gió có thể mở ra để hút gió vào. Khoảng cách giữa các chậu lan cũng phải hợp lý, không để sát nhau, lá cây nọ chạm vào lá cây kia dễ bị lây lan nấm bệnh.

- Thứ hai: bón phân
Trong giai đoạn cây nảy mầm đến khi giả hành phát triển hoàn chỉnh cần bón phân có lượng N cao hơn. Trong giai đoạn chuẩn bị ra hoa nên dùng phân bón có lượng P cao hơn và K thấp hơn một chút để giúp cây có đủ dưỡng chất tạo chồi nụ và nuôi hoa.Trong suốt quá trình chăm sóc trong năm có thể kết hợp với bón phân hữu cơ như: Tưới nước ốc, cá, bì lợn,... ngâm lâu ngày (nước trong và đã hết mùi) pha loãng để tưới vào gốc, xen kẽ với phun phân bón vi lượng thật loãng hàng tuần cho cây. Trong thời gian cây phát triển chồi hoa tuyệt đối không dùng các loại phân bón qua lá, phân đọng trên chồi hoa dễ hỏng hoa.Có thể tự làm phân bón chậm tan bằng cách: lấy phân vi sinh nhào với nước dạng vữa xây nhà, đem phơi khô đến trắng, xác, cứng, chặt nhỏ và đặt trên mặt chậu lan, khi tưới, phân sẽ tan dần vào trong đất.

- Thứ ba: Phòng trừ sâu bệnh
Cần giữ nguyên tắc phòng là chính. Giữ cho vườn lan luôn thông thoáng, sạch sẽ và sử dụng thuốc phòng trừ nấm, diệt côn trùng định kỳ sẽ tránh được tỉ lệ nấm bệnh trong vườn lan rất cao. Khi cây bị bệnh, cần cách ly ngay tránh lây lan, nếu xác định được rõ bệnh cần dùng thuốc thích hợp để chữa. Nếu không xác định được, cần tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm để có biện pháp chữa trị hữu hiệu.

Kỹ thuật trồng, nhân giống và chăm sóc Địa Lan, Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp Diễn đàn Cây cảnh Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét