Tỷ phú rắn ri voi
Khắp tay chân cựu chiến binh Lê Hùng Minh đầy thẹo, không phải vết bom đạn của những ngày còn phục vụ quân đội mà do... rắn cắn. Sau bao vất vả, anh đã thành tỷ phú nhờ con vật không ai thích gần gũi này.
Đổi đời từ những con rắn còn sót lại
Trở về từ những cuộc chiến đấu ác liệt, sau hơn 20 năm phục vụ đất nước, năm 1992 anh Năm Minh - Sóc Trăng trở về quê bắt đầu cuộc mưu sinh. Chỉ với 2.000m2 đất ruộng không màu mỡ (dành 200m2 cất nhà), cũng như bao gia đình nông dân khác, vợ chồng anh và hai con nhỏ bắt tay ngay vào thực hiện các mô hình lúa – cá, cua; lúa – tôm nhưng vẫn trầy trật với cái ăn.
Năm 1996, khi các tỉnh ĐBSCL rộ lên phong trào nuôi trăn thịt, trăn đẻ, anh cũng dốc hết vốn liếng, vay mượn người thân, bạn bè được tổng cộng 150 triệu đồng mua 70 con trăn thịt về nuôi làm giống sinh sản. Trăn vỗ béo chuẩn bị phủ nọc, cầm chắc lời vài chục triệu đồng, đùng một cái, giá trăn thịt đột ngột giảm từ 150.000 đồng/kg xuống còn 20.000–25.000 đồng/kg và trăn con từ 100.000 đồng/con rớt xuống còn 5.000 đồng/con.
Anh chạy đôn đáo bán trăn con nhưng không ai mua, thậm chí cho không cũng chẳng ai nhận. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm, vay mượn bỗng chốc thành mây khói. Thế là trắng tay với một món nợ khổng lồ. Không nản chí, anh lại rong ruổi tìm hiểu thị trường chuẩn bị làm ăn mới.
Thời điểm ấy, ở quê anh nhiều người đổ xô vào nuôi tôm sú thì anh lại nuôi rắn ri voi bởi anh nghĩ, số lượng rắn ri voi trong môi trường tự nhiên không còn nhiều. Từ suy nghĩ đó, năm 1998 anh “liều mình” chạy nợ, vay mượn người thân trên 100 triệu đồng, mạnh dạn đầu tư đào ao, xây tường cao 2m trên diện tích 1.700m2 và bắt tay vào làm cái chuyện ngược đời: Nuôi rắn ri voi.
Anh tận dụng lu, hũ có sẵn trong nhà và đặt thương lái mua 1.200kg rắn giống ri voi (loại 200 – 400g/con – khoảng 7.000 con). Anh nghĩ có lẽ đây là lần thử thời vận cuối cùng, hy vọng con rắn ri voi sẽ không bạc đãi mình. Nhưng đúng là “gian nan thử sức”, do nguồn con giống trôi nổi, chất lượng kém nên chỉ sau 2 tháng nuôi, đàn rắn đã lủi đầu vào bờ chết trên 6.000 con, gần một tấn rắn coi như tiêu.
Tình cảnh của anh lúc bấy giờ thật bi đát, nhất là số nợ vay trả lãi mỗi ngày gần 200.000 đồng. “Nợ nần chồng chất, thất bại nối tiếp thất bại khiến tôi không dám đi đâu, tưởng chừng không gượng dậy nổi” - anh nhớ lại. Còn nước còn tát, anh cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng số rắn còn lại.
Vốn là một y sĩ quân y nên anh không để yên cho mấy xác rắn, anh đã phẫu thuật và tìm ra được nguyên nhân: Rắn chết hàng loạt là do con người. Anh giải thích: “Rắn ri voi ở ngoài đồng là loài hung dữ nên khi bắt rắn thường bị đập, xung điện và một số thương lái chích nước vào thân cho nặng ký”.
Tháng Bảy mưa dầm quê anh buồn lắm, anh đi dạo quanh ao nhưng thật bất ngờ, mép ao xuất hiện rất nhiều rắn ri voi con. Từ đây, anh bắt đầu nghĩ đến việc cho rắn sinh sản lấy con giống. Cuối năm đó, số rắn còn sót lại thu hoạch được 350kg, định bán đi trả bớt nợ nhưng nghĩ tới cảnh phải chầu chực mua rắn giống trôi nổi, chất lượng không đảm bảo nên anh bấm bụng để lại gầy giống. Kẹt tiền, anh chạy đi moi đầu này, lắp đầu kia. Và cuộc đời anh nông dân – thương binh này sang trang mới nhờ những con rắn ri voi còn sót lại trong ao.
“Bén duyên” với rắn ri voi
Vừa nuôi rắn, anh vừa ngược xuôi lên xuống Cần Thơ, Vĩnh Long học hỏi kinh nghiệm những người đi trước. Từ những điều học hỏi được, anh cải tạo mô hình hoàn chỉnh hơn, phù hợp với môi trường tự nhiên. Dưới ao, anh trồng lục bình và xây dựng ở giữa ao một cù lao để rắn ri voi trú ẩn khi lột da, bởi qua nghiên cứu anh biết loài rắn này thích hợp sự yên tĩnh, ấm mùa đông, mát mùa hè để phòng bệnh viêm phổi và ngoài da. Vừa nuôi rắn thương phẩm, anh vừa học “đỡ đẻ” cho rắn ri voi. Rắn ri voi không ấp trứng mà đẻ con.
Qua một năm “đỡ đẻ” cho rắn ri voi, Năm Minh nắm được cả chu kỳ sinh sản của chúng. Lứa rắn đẻ đầu tiên, anh nuôi hết. Mùa tết năm 2000, anh Minh thắng lớn, xuất sang Trung Quốc trên 500kg rắn thịt, thu lãi gần 120 triệu đồng. Cuối năm 2001, Năm Minh thở phào nhẹ nhõm khi trả xong tất cả nợ nần nhờ trúng mùa rắn với lãi ròng gần 300 triệu đồng. Anh bắt đầu “bén duyên” với rắn ri voi.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Minh kể lại những ngày theo lái xuất rắn đi Trung Quốc: “Nghe nói người Trung Quốc rất thích ăn rắn vào mùa đông, nhất là rắn ri voi, tôi đi thử vài chuyến. Dù chỉ bán bên này biên giới nhưng giá đã 400.000 đồng/kg, sang Trung Quốc giá 1 triệu đồng/kg”.
Hiện nay, nuôi rắn là một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận, thị trường lúc nào cũng khan hiếm. Nhờ vậy mà những năm gần đây, mỗi năm anh Minh xuất bán trên 4 tấn rắn thịt, nuôi 4.000 rắn nái đẻ, cung cấp khoảng 130.000 rắn giống theo đơn đặt hàng, thu về trên tỷ đồng.
Cũng theo lời Năm Minh, nuôi rắn hầu như chẳng tốn công sức gì. Mỗi ngày 2 lần đi dạo quanh ao xem rắn có gì khác lạ không. Nếu thấy biểu hiện lạ thì thay nước, toàn làm bằng máy móc cả nên chẳng vất vả gì. Rắn ri voi thích hợp nhiệt độ 25 – 30 độ C. Rắn mới đẻ nuôi 1 năm đạt trên 1kg. Rắn ăn cũng hết sức đơn giản, chỉ cần đổ cá còn sống xuống ao, rắn sẽ tự bắt để ăn (chủ yếu là cá trê, lươn, bởi rắn ri voi không ăn cá có vảy).
Rắn 1kg có thể ăn được con mồi 1,5kg, mật độ nuôi 7 – 15 con/m2. Rắn 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản, con cái nặng 3kg có thể đẻ 40 rắn con (mùa đẻ từ tháng 7 – 9 âm lịch). Trừ mọi chi phí, một con rắn nuôi cho lời thấp nhất 130.000 đồng/kg, mùa đông trên 300.000 đồng/kg.
Mặc dù nuôi hàng ngàn con rắn đẻ, nhưng chỉ một tay anh quán xuyến mọi chuyện, chị Thủy - vợ anh thì tất bật với quán lẩu rắn, hai con trai anh tốt nghiệp ngành thủy sản Đại học Cần Thơ đều đã đi làm. Từ đôi tay trắng gầy dựng, từ hai lần sạt nghiệp nợ nần, cuối cùng, con rắn ri voi đã giúp Lê Hùng Minh nên cơ nghiệp.
Làm giàu trong gian khó nên anh rất thương người nghèo, nhiều người được anh cưu mang cho mượn đất cất nhà, cho mượn vốn làm ăn. Không hề giấu nghề, anh Minh sẵn sàng hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho người dân có nhu cầu nuôi rắn thương phẩm.
Theo business
0 nhận xét:
Đăng nhận xét