Đặc điểm sinh học cá Leo
1. Đặc điểm hình thái và phân loại cá Leo
a) Đặc điểm phân loại
- Theo Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương (1993), Mai Đình Yên (1992), cá Leo có hệ thống phân loại như sau:
Bộ: Siluriformes
Họ: Siluridae
Giống: Wallagonia
Loài: Wallagonia attu Bloch
- Cá Leo có tên là Wallago attu Bloch and Schneider. Đây là tên loài của cá Leo đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Cá Leo có tên tiếng Anh là Freshwater Shark hay Helicoper Catfish. Ở Việt Nam, cá Leo có một số tên gọi khác như cá Leo ở miền Nam và cá Nheo ở miền Bắc.
b) Đặc điểm hình thái
- Thân rất dài và dẹp bên. Đường bên bắt đầu từ điểm sau khe mang và chấm dứt ở điểm giữa gốc vi đuôi. Thân và đầu cá Leo không có vẩy, đầu dẹp bằng, trán rộng, miệng không co duỗi được. Rạch miệng xiên dài, kéo dài qua khỏi mắt, thân dài, và dẹp ngang, đầu tương đối to, dẹp đứng ở phần mõm. Miệng rộng, rạch miệng xiên kéo dài đến gần sau mắt. Răng nhỏ, nhọn, bén, răng lá mía tạo thành hai dãy hẹp sắp thành một dãy xương hàm rộng, răng phía trong dài hơn răng phía ngoài, răng vòm miệng mọc thành hai đám nhỏ tách rời nhau. Tất cả răng hàm và vòm miệng đều hướng vào hầu.Cá Leo có răng hàm sắc, nhọn, có nhiều răng chó (răng dài, nhọn, nhô cao, cong vô xoang miệng) và xếp thành nhiều hàng.
- Có hai đôi râu, râu hàm trên dài tới khởi điểm vi hậu môn, râu hàm dưới dài đến góc miệng.
- Mắt nhỏ, không nằm dưới da, ở phía trên rạch miệng và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang. Phần trán giữa hai mặt rộng và cong lồi. Lỗ mang rộng và màng mang không dính với eo mang.
- Mặt lưng của thân và đầu cá Leo có màu xám đen, ánh xanh lá cây và lợt dần xuống bụng vi hậu môn, vi đuôi, vi ngực có màu đen. Vi ngực, vi bụng của cá có màu trắng ánh vàng, vi lưng, vi đuôi, vi hậu môn có màu xám đen.
- Vi lưng nhỏ, tia vi lưng thứ nhất dài xấp xỉ hai lần tia vi lưng thứ hai, khởi điểm trước vây bụng, mọc lệch về hướng của thân, cao vi hậu môn tương đương với cao thân. Vi hậu môn dài, không liền với vi đuôi, tách rời hẳn vi đuôi. Gốc vi hậu môn rất dài tương đương 61,8% chiều dài chuẩn. Vi ngực rộng, gai vi ngực cứng, nhọn. Vi đuôi chẻ hai rảnh rất sâu, thuỳ trên dài hơn thuỳ dưới.
- Cá Leo là loài cá có kích thước lớn, sản lượng tương đối cao, phẩm chất thịt ngon. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cá tự nhiên đang suy giảm mạnh cần được bảo vệ.
2. Đặc điểm phân bố
Cá Leo sống ở sông, kênh rạch và đồng ruộng. Cá Leo có phạm vi phân bố khá rộng từ phía Nam đến phía Đông Nam châu Á, có mặt ở các nước như: Pakixtan, Ấn Độ, Sri-Lanka, Nepal, Bangladesh, Mianmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Cá Leo thích sống ở vùng nước ấm, nhiệt độ thích hợp từ 19 - 29 độ C¬¬ (thích hợp nhất từ 22 – 25 độ C), pH từ 6,0 - 7,6.
3. Đặc điểm dinh dưỡng
- Tính ăn của nhóm cá da trơn nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật và thể hiện khá rõ ở các loài cá tra Pangasadae trưởng thành. Dựa vào hình thái cấu tạo của răng, miệng và kết quả phân tích thức ăn trong ống tiêu hóa của cá cho thấy thức ăn ưa thích là động vật sống ở đáy thủy vực như Crustacea, Mollusca, ấu trùng côn trùng thủy sinh, kể cả những côn trùng trên cạn.
- Một số đặc điểm chứng tỏ cá Leo là loài cá dữ, chủ động tìm mồi, ăn động vật là: dạ dày hình chữ J có thể giãn nở và lực co bóp rất lớn, ruột ngắn gấp khúc có vách dày, răng sắc nhọn và có nhiều răng chó.
- Cá Leo là loài cá dữ, thường sống ở các thuỷ vực ngọt sâu, diện tích rộng và chuyên kiếm ăn vào ban đêm.
4. Đặc điểm sinh trưởng
- Cá Leo cũng như các loài cá khác, sự sinh trưởng chiều dài nhanh nhất vào năm đầu và sau đó giảm dần. Cá càng lớn thì sự sinh trưởng theo chiều dài càng chậm, sự sinh trưởng theo khối lượng ở cá Leo cái đạt sinh trưởng cao nhất vào năm đầu, sau đó giảm dần. Sự sinh trưởng ở cá Leo cái đạt tốc độ cao nhất vào năm thứ 3 - 4, còn ở cá đực thì điều này xảy ra vào năm thứ 3, sớm hơn cá cái. Sự tăng nhanh về chiều dài trong những năm đầu ở cá có ý nghĩa thích nghi rất lớn nhằm vượt khỏi sự chèn ép của kẻ thù.
- Cá Leo có thể đạt kích cỡ chiều dài đến 200 cm, tuy nhiên phổ biến ở kích cỡ chiều dài 80 cm, kích cỡ tối đa nặng đến 25kg.
5. Đặc điểm thành thục và sinh sản của cá Leo
- Cá Leo trưởng thành phải đạt kích thước trên 90 cm chiều dài và có khối lượng trên 2 kg.
- Cá Leo trong tự nhiên là loài chỉ sinh sản một lần trong năm, mùa vụ sinh sản của cá tập trung vào các tháng 5, 6, 7. Hệ số thành thục ở cá Leo cái thấp, trung bình 4,05% (0,013 - 9,326%).
- Cá Leo có sức sinh sản tưong đối cao, khoảng 60,000 trứng/kg cá cái. So với các loài cá trong nhóm cá trơn, sức sinh sản tương đối của cá Leo cao hơn so với cá Kết (10.000 - 70.000), cá Ngát (449 - 780), cá Lăng (3.548 - 14.882), nhưng thấp hơn cá Trê trắng (64.840 - 73.920), cá Tra (130.000 - 150.000).
Đặc điểm sinh học cá Leo, Nguồn: Trương Thủ Khoa & Trần THị Thu Hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét