Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Hướng đi cho ngành chăn nuôi nhỏ lẻ

Hướng đi cho ngành chăn nuôi nhỏ lẻ



Theo Cục Thống kê, đến nay cả nước có hơn 23.500 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, khu vực Đông Nam bộ chiếm 17,35% (gần 4.100 trang trại). Riêng tỉnh Đồng Nai có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất, khoảng 2.000 trang trại, trong đó các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 50%.

- Ngành chăn nuôi phát triển nhanh cùng sự áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại. Nhiều trang trại chăn nuôi từ 600 con lợn hoặc hơn 2.000 con gà trở lên. Tuy nhiên, đối với những người chăn nuôi nhỏ lẻ do ít vốn, thiếu quỹ đất xây chuồng trại nên đa số lệ thuộc vào các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi quy mô lớn về con giống, thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá thành sản phẩm cao, rủi ro nhiều...

- Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, những người chăn nuôi nhỏ lẻ tạo ra sản phẩm thịt nhưng lại không có tính quyết định về giá. Từ khâu nuôi đến khâu tạo ra sản phẩm đều có sự phân chia lợi nhuận, nhưng phần nhiều lại thuộc về thương lái, các cơ sở giết mổ và nhà phân phối. Chính vì vậy, nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ đã chọn hướng đi để tồn tại.

- Tiêu biểu như cơ sở chăn nuôi của ông Trần Sỹ Hùng tại ấp 7, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có 70 con vừa lợn con, lợn thịt, lợn nái và lợn nọc (đực). Để giảm giá thành sản xuất, ông đã tự chế biến thức ăn cho lợn thịt, lợn nái, cả lợn nọc bằng những nguyên liệu sẵn có trong nước. Riêng thức ăn cho lợn con, ông phải mua tại các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) như Sanmiguel, Cargill,…

- Ông Hùng cho biết, khi lợn nuôi đến lứa xuất chuồng đều được thương lái đến thu mua với giá hơi thấp hơn chút đỉnh so với giá thị trường nhưng ông vẫn chấp nhận được. Ước tính, mỗi năm ông thu lợi nhuận khoảng 260 triệu đồng từ đàn lợn của mình.

- Còn ông Trần Văn Vạn, ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có đàn lợn 250 con, trong đó có 40 con nái là nguồn cung cấp lợn giống cho trại và một số hộ chăn nuôi lân cận. Ông Vạn còn là chủ đại lý thức ăn gia súc nên giá thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn của trại được giảm từ 5 - 10% từ chiết khấu bán hàng. Tính ra, mỗi năm trại lợn của ông cung cấp cho người tiêu dùng 45 tấn thịt, đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể từ chăn nuôi lợn thịt và lợn giống. Ngoài ra, ông còn trồng 8 ha cao su quanh trại nhằm để hỗ trợ giữa chăn nuôi và trồng trọt.

- Để tồn tại, duy trì được đàn lợn, các cơ sở, trại chăn nuôi phải tự đầu tư xây hầm khí sinh học xử lý các chất thải từ chăn nuôi, vừa giúp bảo vệ môi trường sống xung quanh vừa tạo ra nguồn khí đốt, nấu ăn phục vụ trở lại cho chăn nuôi. Các chất thải được xử lý xong trở thành nguồn phân hữu cơ bón cây trồng, vườn cao su.

- Một trong những cơ sở, trại chăn nuôi sớm có ý thức về bảo vệ môi trường như cơ sở chăn nuôi lợn của ông Trần Sỹ Hùng với quy mô đàn lợn chưa đầy 100 con nhưng từ năm 2006 ông đã xây dựng hầm biogas. Khi sử dụng hầm khí này, ông Hùng tiết kiệm khoảng 500.000 đồng chi phí gas nấu thức ăn cho lợn mỗi tháng ngoài việc bảo vệ môi trường khu vực xung quanh.

- Đối với trại chăn nuôi của ông Trần Văn Vạn với quy mô đàn lợn lớn hơn cũng sớm xây dựng hầm khí sinh học để vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí hạ giá thành sản phẩm trong chăn nuôi. Từ lượng khí tạo ra năng lượng, tính ra mỗi năm, ông Vạn tiết kiệm được 12 triệu đồng thay cho tiền mua gas nấu ăn, chế biến thức ăn cho lợn và 15 triệu đồng từ chất thải đã qua xử lý làm phân bón cho vườn cao su. Như vậy, hầm khí sinh học đã giúp ông giảm chi phí cho cả chăn nuôi và trồng trọt khoảng 27 triệu đồng/năm.

- Nhiều trại chăn nuôi có quy mô lớn thì xây dựng hầm biogas lớn hơn không những để nấu nướng mà còn chạy máy phát điện cung cấp cho hệ thống làm mát chuồng trại và thắp sáng phục vụ sinh hoạt trong gia đình và chuồng trại. Với 4 hầm biogas thể tích 150m 3 trong trại chăn nuôi hơn 500 con lợn của ông Phạm Văn Tạo tại tỉnh Bình Dương được dùng để chạy máy phát điện, cung cấp cho hệ thống làm mát cho trại gà và lợn, cung cấp điện chiếu sáng toàn trại và nấu nướng phục vụ chăn nuôi. Các hầm khí này giúp ông tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/tháng.

- Tuy nhiên, để giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần phương thức chăn nuôi bán công nghiệp, công nghiệp (trang trại), nhiều tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ đã và đang tiến hành quy hoạch các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và có lộ trình di dời các hộ chăn nuôi vào vùng quy hoạch.

- Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ nằm ngoài vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường mà không có hướng khắc phục thì cấm nuôi chuyển sang ngành nghề khác. Trong đó, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch xong tất cả các vùng chăn nuôi ở các đơn vị hành chính trong tỉnh với tổng số 139 vùng với diện tích hơn 15.000 ha. Có những vùng không thể quy hoạch thành vùng chăn nuôi được như gần sông Đồng Nai, bảo vệ nguồn nước cho người dân sử dụng, khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, đây là 2 khu đô thị lớn của tỉnh, khu sân bay Long Thành là để bảo vệ môi trường sống và giảm thiểu ô nhiễm từ phế thải của chăn nuôi.

- Cả tỉnh có 36 cơ sở giết mổ và 23 nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, 2/3 số nhà máy có liên doanh nước ngoài. Hiện ngành chăn nuôi Đồng Nai đang hướng dẫn về kĩ thuật xây dựng chuồng trại, giải quyết dịch bệnh, an toàn sinh học, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP ở nông hộ để tăng năng suất, hiệu quả cao trong chăn nuôi.

Hướng đi cho ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, Nguồn: Tin tức Online.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét