Kỹ thuật bón phân cho hoa lan | ky thuat bon phan cho hoa lan
Nguyên tắc chung khi bón phân
- Dựa theo từng tuổi của lan và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi giai đoạn.
- Áp dụng nguyên lý “Ăn ít nhưng ăn thường xuyên, đều đặn”.
- Dựa theo mùa vụ, thời tiết trong ngày.
- Dựa vào hướng dẫn sử dụng trên nhãn bao bì của từng loại phân.
- Tuỳ theo tính chất của giá thể để lựa chọn loại phân bón rễ cho phù hợp.
Các giai đoạn sinh trưởng, phát triển liên quan đến bón phân
Nếu tính các giai đọan phát triển của lan có liên quan đến nhu cầu dinh dưỡng được tính từ cấy mô đến khi trỗ hoa thì chu kỳ sinh trưởng này được chia thành 5 giai đọan (hay tạm qui ước là 5 tuổi):
Tuổi 1 tính từ ngày cấy mô đến khi cây lan đạt tiêu chuẩn cây con tách ra vườn ươm. Tuổi này kéo dài khoảng từ 4-8 tháng tùy theo từng nhóm, loài lan.
Tuổi 2 tính từ khi cây con tách khỏi chai mô đến khi ra khỏi vườn ươm (giai đoạn này cây con sống trong vườn ươm có điều kiện chăm sóc khác với vườn sản xuất). Tuổi này kéo dài từ 4-6 tháng tuỳ loài lan.
Tuổi 3 tính từ khi cây lan ra khỏi vườn ươm để trồng tại vườn sản xuất cho tới khi cây đạt tuổi trưởng thành (có thể ra hoa). Tuổi này kéo dài từ 4-8 tháng tuỳ loài lan (riêng một số loài có thể kéo dài 24 tháng)
Tuổi 4 tính từ tháng tiếp theo của tuổi 3 chuyển qua hoặc tính từ trước khi cây ra hoa 3 tháng (tuổi này kéo dài khoảng 3 tháng).
Tuổi 5 tính từ khi cây nhú phát hoa đến khi hoa nở hoàn toàn (100% nụ hoa trên phát hoa đã nở hết). Tuổi này kéo dài từ 2-3 tháng tùy theo loài lan và thời tiết khí hậu.
Quy trình kỹ thuật bón phân
- Dựa theo nguyên tắc bón phân chung và ở mỗi tuổi của lan thì có chế độ bón phân phù hợp. Mỗi loài nhóm lan cũng có kỹ thuật bón khác nhau.
- Chế độ bón tùy thuộc vào chủng loại phân và liều lượng, số lần bón.
1. Tuổi 1: Do được nuôi trong chai mô ở điều kiện vô trùng và môi trường đủ dinh dưỡng nên không có bất cứ một tác động nào khác ngoại trừ ánh sáng và nhiệt độ.
Chất lượng cây giống phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi cấy và pha chế môi trường nuôi lan.
2. Tuổi 2: Đây là tuổi cây mới tách từ môi trường trong phòng ra vườn ươm, vì vậy phải chăm sóc đúng kỹ thuật. Bón phân theo “nguyên tắc 4 đúng”:
+ Đúng chủng lọai phân phù hợp với từng giai đọan sinh trưởng, phát triển.
+ Đúng nồng độ, liều lượng qui định cho mỗi tuổi và nhóm lòai lan.
+ Đúng thời kỳ, giờ giấc và mùa vụ.
+ Đúng kỹ thuật và phương pháp bón.
Nếu là phân dạng tinh thể hay dạng bột pha 0,5g cho 1 lít nước sạch để xịt.
Nếu là phân lỏng thì pha với liều lượng bằng phân nửa (1/2) so với liều khuyến cáo.
Định kỳ xịt 3 ngày/lần.
Nên xịt lúc 8h – 9h sáng, sau đó từ 16h – 17h thì xịt sương lại bằng nước sạch để cây hấp thu phần còn lại của phân đã bám dính trên lá.
Sáng ngày hôm sau cần tưới nước cho sạch hết tồn dư của phân ở trên lá (các phần tồn dư này cây không hấp thu được và không có lợi cho cây).
Một số loại phân phù hợp cho tuổi này bao gồm: HT- 311 (30-10-10); ORCHID-1; VTM-B1; FISH EMULSION 5-1-1(sữa cá); HT-ORCHID-11(Phân HCSH); HT-ORCHID-12(19-6-12) hoặc Nutricote 19-6-12.
3. Tuổi 3: Đây là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh nhất, tăng trưởng cả về số lượng và khối lượng. Giai đoạn này rất cần hấp thu đủ dinh dưỡng để chuyển qua hình thành mầm hoa.
Một số loại phân bón thích hợp cho loại này gồm:
+ HT-311 (30-10-10); HT-ORCHID-11 (Phân hữu cơ sinh học); HT-ORCHID-12 (19-6-12); VTM-B1; FISH EMULSION 5-1-1(sữa cá); HT-222 (21-21-21)
+ Phân bón rễ (Áp dụng cho nhóm lan trồng trên giá thể như Địa lan, Vú nữ, Cattlaye Dendrobium ); Hữu cơ sinh học (HT-ORCHID-11); Phân hạt Nutricote 19-6-12; Nutricote 14-14-14 hoặc Phân tan chậm HT – ORCHID.06 (12-12-12).
HT-ORCHID.06 NUTRICOTE 19-6-12
- Với Dendro có thể đặt 1 trong 3 loại: Hữu cơ sinh học (HT-ORCHID-11); Phân hạt Nutricote 19-6-12; Nutricote 14-14-14.
- Với Oncidium (vũ nữ) đặt 1 trong 3 loại như trên.
- Với Phalaenopsis( Hồ điệp): chọn Nutricote 19-6-12 hoặc phân chậm tan HT – ORCHID.06(12-12-12)
Ghi chú: Có thể sử dụng phân hạt chậm tan loại Nutricote 19-6-12 và Nutricote 14-14-14 rải trên bề mặt chậu lan (loại phân hạt đựng trong hũ)
- Nếu giá thể trồng bằng than củi thì không rắc loại này vì phân sẽ bị lọt xuống đáy chậu (lãng phí phân), nên sử dụng loại túi lưới (NUTRICOTE 19-6-12).
4. Áp dụng phân bón cho tuổi 4:
- Đây là tuổi quan trọng liên quan đến quá trình hình thành mầm hoa, chất lượng hoa và độ bền của hoa. Rất cần phân bón có hàm lượng P cao và bổ sung một số chất điều hòa sinh trưởng, các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng thiết yếu (đặc biệt là Mg, Zn, B).
- Một số loại phân bón thích hợp cho tuổi này:
+ HT-131 (10-30-10); ORCHID-2 (6-30-30); HT-ORCHID.04 (0-38-19); HT-ORCHID.05(STRONG); HT-ORCHID.09; KH2PO4; KNO3.
+ HT-ORCHID.01 (3-6-12); Nutricote 14-14-14+ TE.
5. Áp dụng phân bón cho tuổi 5:
Đây là tuổi nuôi hoa, dinh dưỡng giúp hoa đậm màu, tươi lâu và bền hoa. Tuổi này sử dụng loại HT-113 (10-10-30 ); lọai HT-222 (21-21-21); HT-008; Hữu cơ vi sinh. Xịt khi hoa mới nhú và xịt 2 lần (mỗi lần cách nhau 5 ngày) với liều 1gam/1lít nước.
Chú ý: Tuổi này mục đích là nuôi hoa (chú ý không xịt phân bón lên phát hoa).
Sử dụng ở đầu vòi phun 1 dụng cụ chụp để phân không bám vào phát hoa. Chỉ xịt ở phần thân lá và rễ phía dưới.
6. Những điều cần lưu ý khi bón phân:
- Phun phân vào thời điểm từ 8 – 9 giờ sáng.
- Từ 16 – 17 giờ phun sương bằng nước sạch để cho cây hấp thu hết phân (tiết kiệm phân).
- Sáng ngày hôm sau, dùng nước xịt mạnh để rửa lá lan cho sạch hết tồn dư cặn (không làm ảnh hưởng tới màu sắc lá).
- Sau hết 1 chu kỳ sinh trưởng đầu tiên của cây lan (tính từ nuôi cấy mô đến ra hoa) thì chu kỳ bón phân tiếp theo được tính từ tuổi 3 của lan.
Như vậy: Áp dụng qui trình bón phân theo tuổi 3 sau khi kết thúc hoa đợt 1. Rồi lần lượt chuyển qua tuổi 4, tuổi 5. Các chu kỳ lại lặp lại từ tuổi 3 sau mỗi đợt ra hoa.
- Với điều kiện khí hậu ở Việt Nam (kể từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam) cây lan không cần thời gian nghỉ. Nếu đủ dinh dưỡng thì cây lan vẫn tiếp tục ra hoa theo chu kỳ.
Chú ý: Với lan Vanda và Mokara thì chủ yếu sử dụng phân bón qua lá là chính. Cần xiết nước (hạn chế tưới nước) và phải tăng lượng ánh sáng (kể cả thời gian chiếu sáng và cường độ ánh sáng) trong giai đoạn cần kích thích ra hoa.
Trong qúa trình chăm sóc cần chú ý sử dụng một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chuyên dùng cho lan như: OLICID – 9.DD; ORCHID- 9.AA. Giúp cho lá bóng đẹp, hoa bền màu sử dụng chế phẩm ORCHID-9.CC (Super – Ca). Nếu chậu lan bị nhiều rong rêu sử dụng chế phẩm ORCHID- 9.RR.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét