Cách phòng bệnh cho cá khi chuyển mùa
Cách phòng bệnh cho cá khi chuyển mùa ST | Cach phong benh cho ca khi chuyen mua
Nhằm hạn chế khả năng dịch bệnh xảy ra, ngoài việc tuân thủ quy trình phòng bệnh tổng hợp như cải tạo ao, chọn giống...từ đầu vụ, thì vào giai đoạn này người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.
Điều kiện thời tiết khí hậu giai đoạn chuyển mùa thường làm cho môi trường ao nuôi có nhiều biến động bất lợi đối với sức khoẻ của cá. Nhiệt độ nước có thể thay đổi đột ngột, tăng cao, khoảng dao động ngày đêm lớn vào mùa hè và những cơn dông ảnh hưởng đến PH môi trường ao nuôi làm cho cá bị stress, bỏ ăn, suy yếu tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh lấn át.
- Để hạn chế khả năng dịch bệnh xảy ra, ngoài việc tuân thủ quy trình phòng bệnh tổng hợp như cải tạo ao, chọn giống...từ đầu vụ, thì vào giai đoạn này người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau đây:
1. Quản lý tốt môi trường ao nuôi
- Nhiệt độ nước ao: Cá là động vật biến nhiệt, chúng không có khả năng sinh lý duy trì sự ổn định của nhiệt độ cơ thể, do vậy khi nhiệt độ nước thay đổi lớn sẽ gây stress, thậm chí gây chết cá. Để đảm bảo nước ao ít bị dao động quá lớn vào mùa hè cần giữ mức nước đủ sâu (thường từ 1,2 - 2m) để nước ao không bị nóng.
- Độ trong nước ao: Thông qua chỉ tiêu của độ trong mà người nuôi có thể đánh giá được tình trạng của hệ sinh vật phù du trong ao để có biện pháp xử lý. Độ trong thích hợp cho việc nuôi cá khoảng 30 - 45 cm.
- Vào giai đoạn chuyển mùa xuân sang hè, giờ nắng trong ngày nhiều hơn, nhiệt độ không khí cao hơn dẫn đến tình trạng tảo phát triển mạnh gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường ao nuôi. do đó cần thay nước định kỳ nửa tháng 1 lần, mỗi lần thay khoảng 30% lượng nước trong ao, duy trì màu nước ao nuôi có màu xanh vỏ đậu xanh hoặc màu xanh nõn chuối trong suốt quá trình nuôi; đối với những ao không thể thay được nước thì nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường;
- Ổn định PH: PH nước ao nuôi cá thích hợp nhất từ 7,5 - 8,0; khi PH quá cao hoặc quá thấp sẽ làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào, làm rối loạn quá trình trao đổi muối - nước giữa cơ thể cá và môi trường bên ngoài. Khi PH xuống thấp (< 5,5) sẽ giảm khả năng vận chuyển ôxy của Hemoglobin làm mang cá tiết ra nhiều chất nhầy dẫn đến giảm khả năng đề kháng đối với bệnh, nhất là bệnh cá do vi khuẩn. Khi PH cao (> 9) sẽ làm cho các tế bào ở mang cá và các mô của cá bị phá huỷ, dẫn đến cá bị chết. Vì vậy, việc duy trì ổn định PH môi trường ao nuôi cực kỳ quan trọng. Để làm được điều này cần bón vôi bột định kỳ 15 ngày/ lần với liều lượng 2 - 3kg/100m3 nước ao; khi trời mưa to cần rải vôi bột quanh bờ ao với lượng 1,5 - 2kg/10m2 bờ ao (tính theo phần mặt bờ phía trong ao).
2. Chăm sóc
- Cá chỉ bị bệnh khi có sự tác động qua lại đồng thời giữa 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh đủ nhiều và đủ mạnh; môi trường nuôi kém dẫn đến tăng sự nhạy cảm của vật chủ hoặc tăng tính độc của tác nhân gây bệnh và ngay chính bản thân cá bị yếu. Điều đó có nghĩa rằng bệnh cá không chỉ là những yếu tố lây nhiễm, môi trường sống mà gồm cả vấn đề dinh dưỡng của cá. Do đó, cần tăng cường sức khoẻ nhằm tăng khả năng kháng bệnh cho cá bằng cách cho cá ăn những thức ăn có chất lượng tốt, đủ lượng, đúng thời gian.
- Ngoài ra, cá nuôi thiếu vitamin C cũng giảm sinh trưởng và khả năng chống chịu sốc và sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh. Để phòng bệnh, cần cho ăn bổ sung với lượng 30 g vitamin C/100 kg cá mỗi ngày, cho ăn liên tục trong 5 - 7 ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét