Pages

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Mô hình trồng hoa Cát Tường

Mô hình trồng hoa Cát Tường


Mô hình trồng hoa cát tường by Sở NN ĐT | Mo hinh trong hoa cat tuong

Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông, thị xã Sa Đéc đã tổ chức buổi hội thảo mô hình sản xuất hoa cát tường tại Ban Nhân dân ấp Khánh Hòa, UBND xã Tân Khánh Đông. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư, Trại giống Tân Khánh Đông, Hội Nông dân, UBND xã Tân Khánh Đông cùng hơn 20 hộ nông dân xã Tân Khánh Đông và các xã lân cận tham dự.


- Nghề trồng hoa Tết Sa Đéc đã có truyền thống lâu đời, nổi tiếng với những loại cây như hoa hồng, hoa cúc mâm xôi, mai vàng… Hiện nay, thị trường có rất nhiều giống hoa mới, màu sắc đẹp, được người dân ưa chuộng. Để bắt nhịp với sự phát triển không ngừng của thị trường cũng như góp phần đa dạng chủng loại hoa tết Sa Đéc, Trung tâm Khuyến nông và Khuyến ngư Đồng Tháp đã giao cho Trạm Khuyến nông thị xã Sa Đéc thực hiện mô hình “Sản xuất hoa cát tường”. Mô hình được triển khai trên địa bàn ấp Khánh Nghĩa và Khánh Hoà, xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc, gồm 04 hộ tham gia, số lượng là 5.000 cây, ngày nhận cây giống là 11/11/2011. Giống hoa cát tường được cung cấp bởi cơ sở sản xuất hoa kiểng Anh Xuân, có nguồn gốc từ Đà Lạt. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% tiền mua cây giống và 30% tiền mua vật tư (phân bón, thuốc BVTV) theo định mức. Ngoài ra, nông dân còn được tham gia lớp tập huấn “Kỹ thuật sản xuất hoa cát tường” và được hướng dẫn để ghi chép sổ nhật ký sản xuất, kiểm tra giám sát mô hình. Kết quả của mô hình tính trên bình quân 1.000 cây, chi phí vật tư và công lao động là 11.258.000 đồng, lợi nhuận là 16.792.000 đồng, với tỉ lệ hao hụt là 15% và tỉ lệ ra hoa muộn là 20%.

- Vì Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL thực hiện mô hình sản xuất hoa cát tường, nơi khí hậu nhiệt đới, nên thông tin về kỹ thuật trồng còn nhiều hạn chế. Chủ yếu, cán bộ kỹ thuật và nông dân trao đổi và đánh giá mô hình sau các lần thực hiện để rút kinh nghiệm thực tiễn (đến nay đã được hơn 3 năm). Ngoài ra, cây giống được mua từ Đà Lạt nên giá thành tương đối cao do chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, vật liệu trồng (phân rơm) có nguồn gốc không rõ ràng và người nông dân chưa thực hiện phương pháp ủ phân nên bệnh hại tấn công nhiều. Hơn nữa, thời tiết năm nay diễn biến bất thường, mưa nhiều và muộn, đã làm tăng tỉ lệ cây trồng bị bệnh và làm “nín hoa”. Tuy nhiên, bà con nông dân trong mô hình cũng tuân thủ qui trình đã được hướng dẫn nên tỉ lệ hao hụt trong mô hình chỉ từ 10-30%, trong khi một số nhà vườn ngoài mô hình mất trắng với tỉ lệ nhiễm bệnh lên đến hơn 90%.

- Trong thời gian tới, Trại giống Tân Khánh Đông sẽ thực hiện nghiên cứu nuôi cấy mô và sản xuất giống hoa cát tường chất lượng tại Đồng Tháp để bà con nông dân giảm bớt chi phí sản xuất và chủ động nguồn giống. Bên cạnh đó, TTKN-KN sẽ thực hiện nghiên cứu về vật liệu trồng, nguồn dinh dưỡng, hàm lượng phân bón, chất kích thích tăng trưởng và đưa ra qui trình xử lí cụ thể, thích hợp cho từng loại cây hoa kiểng.

- Nhân buổi hội thảo, các nhà khoa học cũng đưa ra ý kiến về việc sử dụng nhà màng cho bà con nông dân, vì nhà màng có thể điều khiển nhiệt độ, hạn chế côn trùng và đặc biệt là hạn chế được tác động của thời tiết. Nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật mong muốn bà con nông dân cùng hợp tác, cùng đồng hành để hoàn thiện qui trình sản xuất không chỉ hoa cát tường mà còn các giống cây hoa kiểng khác trong điều kiện khí hậu địa phương. Điều này giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị xã Sa Đéc, tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân và góp phần xây dựng xã Tân Khánh Đông thành xã nông thôn mới theo tiêu chí của Tỉnh đề ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét