Kinh nghiệm chăm sóc Chanh
Kinh nghiệm chăm sóc chanh by Sở KH&CN BG | Kinh nghiem cham soc chanh
Chanh là loại cây ăn quả thuộc họ cam quýt có nguồn gốc á nhiệt đới. Chanh có nhiều giống, các giống thường gặp như: chanh giấy được nhiều người ưa chuộng vì mỏng vỏ, nhiều nước, vị thơm, múi màu xanh nhạt, dễ ra hoa, đậu quả (có giống như chanh tứ quí có thể cho quả hầu như quanh năm), cây có nhiều gai nhỏ; chanh núm quả tròn, đầu cuống có núm ngắn, vỏ dày, sần sùi, nhiều nước ăn thơm, múi màu xanh vàng, cây nhiều gai; chanh thơm Indo, được nhập nội từ Indonesia, trái tròn, đẹp, vỏ xanh đậm, vị chua, nhiều nước, rất thơm, mỗi năm cho thu hoạch 1 vụ từ tháng 6 - 7; chanh lima persa không hạt, là giống cam tứ bội thể được nhập nội từ California, trái xanh, vỏ mỏng, nhiều nước, rất sai quả, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2 vụ (tháng 6 - 7 và tháng 12 - 1), ăn không thơm nhưng hoàn toàn không hạt, thích hợp cho công nghiệp chế biến nước quả; chanh Eureka, thuộc nhóm chanh núm, quả hình trứng, vỏ dày, sần sùi, nhiều hạt, ít nước, ăn rất thơm, chủ yếu dùng pha rượu, uống chè đen và sa lát, mỗi năm thường cho 1 vụ quả vào cuối năm…
- Cây chanh rất dễ trồng, dễ ra hoa, đậu quả, thích nghi với nhiều loại đất và nhiều vùng sinh thái ở nước ta. Tuy nhiên, theo như thư bạn viết thì cây chanh ghép nhà bạn rất tốt (chắc mới trồng được gần 1 năm) ra ít hoa mà không đậu quả. Theo chúng tôi, có lẽ do bạn chưa có kinh nghiệm, chăm chút nhiều cho cây (thường xuyên bón phân, tưới nước) mong cây sớm ra hoa và cho nhiều quả.
- Như vậy cây chanh thường xuyên ở trong tình trạng sinh trưởng dinh dưỡng quá mạnh (cây tốt, lá xanh, ra nhiều chồi non, nhiều lộc, nhiều cành mới) do đó kìm hãm quá trình sinh trưởng sinh thực, tức là ra hoa, đậu quả kém. Vì bạn không nói rõ bạn ở vùng miền nào nên chúng tôi giới thiệu chung kỹ thuật xử lý sau đây để bạn căn cứ vào đó mà thực hiện.
- Xử lý cho cây ra hoa, đậu quả: Ngay từ bây giờ bạn dừng hẳn việc bón phân, hạn chế tưới nước (chỉ duy trì mức độ ẩm cần thiết để cây không bị khô héo) nhằm hạn chế nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây khoảng 3 - 4 tuần. Hái bỏ hết các quả nhỏ (nếu có) trên cây, dùng kéo làm vườn cắt bỏ bớt các chồi vượt, các cành già, cành tăm, cành nhỏ mọc trong tán làm cho cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hè, cành thu sớm thuần thục đồng thời dùng cào sắt có răng xới nhẹ xung quanh gốc làm đứt bớt rễ nhằm giúp cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa và ra hoa vào đầu năm tới (tháng 2 - 3).
- Vào khoảng đầu tháng 12 ngừng hẳn tưới nước để tạo khô hạn cho cây khoảng 1 tháng, sau đó bón phân trở lại và tưới đẫm nước trong 2 - 3 ngày liên tục, cây sẽ ra hoa đồng loạt. Nếu gặp trời mưa, dùng nilon phủ kín gốc không cho nước mưa thấm vào vùng đất quanh cây. Khi chanh đã đậu quả bằng đầu ngón tay, bón thêm phân NPK 16-16-8 khoảng 0,5-0,7 kg/cây để nuôi quả lớn. Những năm sau thì tăng lượng phân lên tùy theo tuổi cây và sản lượng thu hoạch. Với các tỉnh phía Nam, các công đoạn xử lý trên đây cần làm sớm hơn miền Bắc 1 tháng.
- Xử lý cho chanh ra hoa trái vụ: Kinh nghiệm của bà con nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, để chanh ra 2 vụ/năm và ra quả trái vụ để bán được giá theo ý muốn, cần tác động một số biện pháp sau: khi chanh chính vụ đang nở hoa rộ, muốn làm chanh trái vụ cần cuốc sâu 20 - 30cm xung quanh tán cây, ngừng tưới nước, tưới phân, hái bớt quả bằng tay hoặc phun Ethrel làm rụng bớt 50% trái chính vụ, sau đó lấp đất lại. Sau 7 - 10 ngày cây chanh sẽ trút 40 - 50% lá non, lộc non và lá bánh tẻ. Cuốc rãnh sâu 10cm xung quanh tán, bón mỗi gốc 1 - 2kg kali clorua (tùy tuổi cây), để đất khô trong vòng 1 tháng, sau đó tưới ẩm và chăm sóc bình thường. Khoảng 30 ngày sau cây chanh tiếp tục nẩy lộc, ra hoa, ra quả vào tháng 6 - 7, cho thu quả vào tháng 12 - 2 năm sau.
- Muốn cho chanh ra quả 3 vụ/năm (chanh tứ thời): Khi chanh ra quả vụ 2 (tháng 6 - 7) tiếp tục biện pháp kỹ thuật như trên, chanh sẽ ra hoa, cho quả vào tháng 8, tháng 9 và thu hoạch vào tháng 5 đến tháng 6 năm sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét