Pages

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Mô hình nuôi Trùn Quế bảo vệ môi trường

Mô hình nuôi Trùn Quế bảo vệ môi trường


Mô hình nuôi trùn quế bảo vệ môi trường by Sở NNBT | Mo hinh nuoi trun que bao ve mo truong

Vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Mỏ Cày hiện nay đang giảm dần. Từ ô nhiễm môi trường nước do mụn dừa từ cụm công nghiệp An Thạnh - Khánh Thạnh Tân đến ô nhiễm môi trường do chăn nuôi và giải quyết rác thải ở các chợ đều đang có một hướng giải quyết.


- Những năm qua, người chăn nuôi heo ở Mỏ Cày đã áp dụng ngày càng nhiều mô hình xử lý phân, chất thải bằng biogas kết hợp với nuôi trùn quế. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập cao cho nguời dân đang dần được nhân rộng trên toàn huyện. Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn mở rộng mô hình nuôi trùn quế bằng thức ăn là rác thải rau cải ở các chợ. Đây là một cách làm mới vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây nên. Người tiên phong thực hiện mô hình này là anh Dương Văn Thao ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Bình.

- Năm 2005, anh Thao vẫn còn gặp khó khăn về kinh tế. Được sự hỗ trợ của hội nông dân xã, anh vay 8 triệu đồng mua bò về nuôi, rồi tham gia mô hình nuôi bò vỗ béo. Kết hợp với việc nuôi bò, anh Thao bắt đầu học hỏi cách nuôi trùn quế để tận dụng nguồn phân bò. Với 4 con bò thịt vỗ béo, anh Thao đầu tư khoảng 40 triệu đồng xây dựng trại, mua 5kg trùn giống về nuôi. Thời gian đầu anh tận dụng phân bò làm thức ăn cho trùn. Sau đó, anh mở rộng diện tích nuôi trùn thì lượng phân bò không đủ, anh phải mua thêm phân bò của những người xung quanh.

- Qua tìm hiểu, anh Thao bắt đầu thử cho trùn quế ăn thức ăn từ bắp cải và các loại rau khác. Trùn ăn và phát triển rất nhanh. Từ đó, anh Thao đã tiến hành gom rác từ rau cải hàng bông của chợ về làm thức ăn cho trùn. Đây là cách làm được nhiều bạn hàng rau cải tại chợ Giồng Keo rất đồng tình.

- Không dừng lại từ nguồn thức ăn là rau cải, anh Thao đã thử nghiệm cho trùn ăn thức ăn là vỏ cam, chanh. Lúc đầu, do chưa xử lý chất the trong vỏ cam, chanh nên anh Thao đã thất bại. Trùn chết rất nhiều.

- Tuy nhiên, trong cái khó ló cái khôn, anh Thao học hỏi kinh nghiệm nuôi trùn của nông dân ở Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) và tiến hành xử lý vỏ cam chanh bằng chế phẩm EM cùng với việc ủ cho vỏ cam lên men, giảm chất the. Thành công trong việc ủ vỏ cam chanh, anh Thao đã chọn thức ăn bằng vỏ cam và chanh làm thức ăn chính cho trùn. Anh Thao cho biết: Nguồn thức ăn từ vỏ cam chanh rất dồi dào từ các tổ hội vắt hạt chanh ở Thạnh Ngãi. Cứ khoảng 1 tuần anh Thao ra các tổ hội để chở vỏ cam, chanh. Vỏ cam, chanh anh không phải mua mà chỉ tốn công chuyên chở khoảng 60.000đ/ tấn. Sau đó, anh tiến hành ủ vỏ cam, chanh kết hợp với phân bò theo tỷ lệ thích hợp. Khoảng 7 – 10 ngày vỏ cam, chanh sẽ mất chất the, có thể cho trùn ăn. Về cách ủ vỏ cam, chanh làm thức ăn cho trùn, Anh Thao cho biết: Vỏ cam, chanh trộn với phân bò theo tỷ lệ 4 phần hoặc 2 phần phân bò tuỳ vào lượng phân có được và 6 – 8 phần vỏ cam, chanh, sau đó trộn điều với chế phẩm EM.

- Anh Thao cho biết, trùn quế ăn bằng thức ăn từ rau cải và vỏ cam, chanh thì sinh sản rất nhiều. Lượng thức ăn trùn tiêu thụ không cao, khoảng 1 tuần mới thêm thức ăn mới một lần. Hiện tại diện tích nuôi trùn quế của anh Thao đã tăng lên 750m2. Mỗi lần anh cho chúng ăn khoảng 1 tấn thức ăn. Nuôi trùn thịt thì chỉ 4 tháng là thu hoạch 1 lần. Các chủ trang trại nuôi tôm thu mua hết lượng trùn mỗi đợt. Trung bình mỗi năm anh bán hơn 3 tấn trùn thịt với giá trung bình khoảng 40.000/kg. Bên cạnh đó anh còn tận dụng bán phân sau khi thu hoạch trùn. Trong năm 2008, các cơ sở phân bón ở TP.HCM đã ký họp đồng mua phân trùn của anh với giá 600đ/kg để làm phân vi sinh. Anh có thêm khoản lãi khoảng 30 triệu đồng từ tiền bán phân.

- Mô hình chăn nuôi bò, trùn quế của anh Dương Văn Thao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích chưa đến 1.000 m2 đất, anh Thao đã có thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Không chỉ là làm giàu cho gia đình mà cách làm này đã một phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải.

- Lượng vỏ cam, chanh từ các tổ vắt hạt chanh của Thạnh Ngãi thảy ra hàng ngày là rất nhiều, ảnh hưởng đến môi trường không nhỏ. Cộng thêm vào đó là lượng rác từ rau cải tại các chợ. Nếu như các hộ nuôi trùn quế biết tận dụng nguồn thức ăn này thì bài toán cho việc ô nhiễm môi trường tại các chợ sẽ được giải quyết một cách có hiệu quả.

- Mô hình nuôi trùn quế bằng rác thải rau cải và vỏ cam, chanh của anh Thao là một mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng. Bằng những việc làm đơn giản như vậy, những người chăn nuôi đã góp phần giải quyết được ô nhiễm môi trường của Mỏ Cày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét