Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Mô hình nuôi tôm Thẻ thâm canh sử dụng Chế Phẩm Sinh Học

Mô hình nuôi tôm Thẻ thâm canh sử dụng Chế Phẩm Sinh Học



Căn cứ theo kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bến Tre về việc xây dựng mô hình trình diễn “Nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm sinh học”. Năm 2010 Trung tâm đã triển khai mô hình này tại 2 huyện: Bình Đại và Thạnh Phú với tổng qui mô là 1,3ha và đạt kết quả rất khả quan về mặt kỹ thuật cũng như hiệu quả kinh tế.

I. Quy trình kỹ thuật
Quy trình kỹ thuật của mô hình cũng giống như quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường nhưng được cải tiến thêm là: Sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi và kết hợp hệ thống thổi khí đáy để tăng cường oxy cho ao nuôi.

1. Chuẩn bị ao nuôi
1.1. Cải tạo ao nuôi
- Cải tạo theo các bước thông thường như nuôi tôm sú, ao nuôi đảm bảo độ sâu khi lấy nước vào 1,5m, ao giữ nước tốt.

- Ngoài dàn quạt nước ao được lắp đặt thêm hệ thống thổi khí đáy để tăng cường oxy cho ao nuôi, tăng hiệu quả sử dụng vi sinh.

* Lưu ý: Trong nuôi tôm thẻ chân trắng nên lót bạt bờ ao, nếu có điều kiện có thể lót bạt luôn cả đường ăn của tôm (Trải bằng tấm nhựa Tapolin hoặc bằng bạt Gia Lợi).

1.2. Lấy nước và xử lý nước
Mực nước lấy vào ao > 1,5m ( tốt nhất 1,7 – 2m), sau 5 ngày ta tiến hành xử lý nước bằng chlorine nồng độ là 30ppm (30kg/1000m3).

1.3. Gây màu nước
Sau khi xử lý nước 5 ngày gây màu nước bằng phân vô cơ: Urê 1kg, NPK 3kg, hòa tan với nước rồi tạt đều ao, gây màu 3 - 5 liên tiếp đến khi màu nước xanh vỏ đậu ( độ trong 20 – 30 cm ), công tác gây màu cũng được thực hiên trong suốt quá trình nuôi.

2. Chọn giống và thả giống


- Chọn giống: Giống được chọn từ những công ty có uy tín như: công ty Uni-President, công ty CP đảm bảo chất lượng tốt, giống được chọn bằng cảm quan và có kiểm tra PCR: Virus Đốm trắng, MBV, Taura.

- Thả giống: lúc sáng sớm

- Mật độ thả: 120con/m2

* Lưu ý: Giống được vận chuyển về bằng xe lạnh không nên cắt lạnh sớm mà nên vận chuyển về gần đến ao nuôi, chuyển tôm xuống ao sau thời gian 5 – 10 phút rồi thả không nên để lâu vì hết lạnh tôm sẽ cắn nhau dẫn đến hao hụt.

3. Quản lý thức ăn
- Sử dụng thức ăn công nghiệp hiệu UP. Trong tháng đầu cho ăn 6 cữ/ ngày, các tháng kế tiếp cho ăn 5cữ/ngày.

- Lượng thức ăn 1,5kg/100.000 con lúc mới thả.
+ Tuần đầu tăng 0,2kg/100.000 con/ngày.
+ Tuần thứ 2 tăng 0,3kg/100.000 con/ngày.
+ Tuần thứ 3 tăng 0,4kg/100.000 con/ngày.
+ Tuần thứ 4 tăng 0,5kg/100.000 con/ngày.

- Đến ngày thứ 20 chài tôm trước mỗi cữ ăn 30 phút để kiểm tra đường ruột của tôm, kết hợp kiểm tra sàn ăn, xem phân tôm trong sàn mà điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

- Mỗi cữ ăn thức ăn trộn với men tiêu hóa Top SC kết hợp trộn canxiphos và dầu mực để áo thức ăn.

4. Quản lý môi trường
- Hằng ngày kiểm tra pH 2 lần sáng (6 giờ) và chiều (14 giờ) để điều chỉnh kịp thời, độ kiềm ta kiểm tra 7ngày/1 lần, thường xuyên theo dõi màu nước của ao nuôi.

- Có ao lắng dự trữ nước để cấp nước kịp thời đảm bảo mực nước trong ao tối thiểu là 1,5 m.

- Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 7ngày/lần: Sản phẩm là Pro W của công ty INVE với liều dùng trong tháng đầu là 30g/1000m3, sau 1 tháng ta tăng lên 50g/1000m3.

- Chế độ sục khí: Ban ngày ta chạy quạt nhẹ kết hợp vận hành sục khí trước mỗi cữ ăn của tôm, sục khí luôn trong thời gian cho tôm ăn, ban đêm chạy quạt để tránh hiện tượng phân tầng nước, khi cần thiết kết hợp sục khí cho ao nuôi.

II. Kết quả mô hình
1. Về mặt kỹ thuật
- Đây là mô hình thành công về mặt kỹ thuật đã xây dựng được quy trình” nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm sinh học” kết hợp hệ thống thổi khí đáy để tăng cường oxy cho ao nuôi.

- Trong quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh và thuốc diệt khuẩn tạo sản phẩm sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Hiệu quả của việc sử dụng vi sinh: vi sinh sử dụng trong suốt quá trình nuôi, ao nuôi luôn duy trì sự phát triển của tảo ( duy trì độ trong 20 – 30 cm), các yếu tố môi trường ít biến động.

- Tôm phát triển tốt, cỡ tôm tương đối đồng đều, tôm ăn mạnh, tôm đẹp sáng bóng.

- Sau 3 tháng nuôi: Tỷ lệ sống bình quân 87,5%, FCR bình quân = 1, Cỡ tôm thu hoạch bình quân 12g/con.

2. Về mặt kinh tế
Với quy mô 1,3ha tổng thu với sản lượng 16.815kg, năng suất bình quân 12,9tấn/ha, tổng lợi nhuận mô hình là: 417.311.000 đồng.

3. Về mặt xã hội
Việc sử dụng chế phẩm sinh học giúp giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường và giá trị sản phẩm tăng cao, nên hiện nay việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm đang được bà con ở Bến Tre sử dụng rộng rãi góp phần quan trọng giúp ổn định nghề nuôi tôm.

III. Kết luận và đề xuất ý kiến
- Mật độ thả: 120con/m2 là thích hợp.

- Tôm thẻ nuôi với mật độ dày nhu cầu oxy rất lớn sau 1 tháng nuôi nên trang bị hệ thống thổi khí đáy là rất cần thiết.

- Sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo các yếu tố môi trong phạm vi thích hợp cho tôm phát triển.

- Có thể phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở những ao nuôi tôm sú thâm canh ( ao cải tạo lại và phải đảm bảo độ sâu).

- Tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ từ quy hoạch, con giống, tiêu thụ…để phát triển ổn định đối tượng nuôi đầy tiềm năng này.

Mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, Nguồn: Trung tâm KN-KN Bến Tre.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét