Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Nâng cao chất lượng giống Thủy Sản theo tiêu chuẩn

Nâng cao chất lượng giống Thủy Sản theo tiêu chuẩn



Trong những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp nói riêng và ĐBSCL nói chung gặp không ít khó khăn, người dân luôn phải đối mặt với với những thách thức lớn như: ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bệnh xuất hiện ngày càng phức tạp, biến động giá cả thị trường,... Ngoài ra, có một nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của nghề nuôi, đó là chất lượng con giống.

- Chất lượng giống đang có hiện tượng giảm sút nghiêm trọng do hậu quả của chạy đua lợi nhuận trong sản xuất giống, các chủ cơ sở giống ít quan tâm đến vấn đề tuyển chọn bố mẹ. Cá bố mẹ được sử dụng cho lai qua nhiều thế hệ, với tần suất sinh sản nhiều lần trong năm, chế độ nuôi vỗ không đúng theo quy trình kỹ thuật, trọng lượng không đạt kích cỡ theo quy định của Tiêu chuẩn ngành,... Vì vậy chất lượng cá bố mẹ đang có biểu hiện của sự suy thoái, dẫn đến chất lượng con giống ngày càng giảm, sức sống kém, tỷ lệ dị hình, bệnh tật cao và một số trường hợp có biểu hiện cận huyết.

- Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại là phong trào nuôi cá tra tăng nhanh, theo kiểu tự phát không theo quy hoạch đã kéo theo hệ quả là môi trường nước ở vùng nuôi thủy sản ngày càng bị ô nhiễm khá trầm trọng, đây còn là tác nhân gây bệnh, là nguyên nhân gián tiếp tạo nên sản phẩm không bảo đảm VSATTP. Mặc dù con giống chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong khâu sản xuất nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến quá trình và năng suất nuôi. Nếu không có những giải pháp đồng bộ thì chúng ta sẽ xoay quanh vòng luẩn quẩn: Suy thoái môi trường – Dịch bệnh – Thuốc, hóa chất trị bệnh - Tạo sản phẩm không an toàn và lại tiếp tục suy thoái môi trường.

- Qua đó cho thấy đây là vấn đề cấp bách không chỉ đối với người nuôi, nhà khoa học mà cả lãnh đạo tỉnh nhà và ngành nông nghiệp cần quan tâm. Do đó, để đảm bảo được chất lượng con giống tốt và sản phẩm sạch đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Tiếp tục thực hiện từng bước nâng cao chất lượng cá giống theo chính sách thay dần đàn cá tra bố mẹ cho các cơ sở sản xuất giống đã được duyệt theo Quyết định 3648/QĐ/BNN/NTTS ngày 24/12/2009 của Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL. Chi cục Thủy sản cùng với Trung tâm giống thủy sản sẽ tiếp nhận 42.000 con cá tra bố mẹ từ Viện II vào năm 2011 – 2012.

- Đẩy mạnh công tác quản lý giống và tăng cường công tác thanh - kiểm tra các cơ sở sản xuất giống về việc thực hiện các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống thủy sản. Xử lý kịp thời các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, kiên quyết không để ảnh hưởng đến lợi ích người nuôi.

- Thực hiện công bố chất lượng giống đối với cá tra và tôm càng xanh, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh cho các cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn và đảm bảo giống trước khi xuất bán phải được kiểm dịch.

- Liên kết với Viện , Trường để hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất giống chất lượng và cung ứng các loại giống thủy sản đã được chọn lọc phục vụ nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm xã hội hóa việc sản xuất giống, đào tạo lực lượng sản xuất tại chỗ và trực tiếp điều hành, quản lý trại sản xuất giống, góp phần chủ động và đẩy mạnh sản xuất giống về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho người nuôi, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Khuyến khích thành lập các mô hình tổ hợp tác, chi hội sản xuất – kinh doanh giống để giúp nhau phát triển sản xuất và tham gia giám sát, ngăn ngừa gian lận thương mại trong sản xuất – kinh doanh giống.

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để hoàn thiện tất cả các khâu kỹ thuật trong nuôi vỗ, gia hóa, chọn lọc và thay dần đàn cá tôm bố mẹ để vừa chủ động và nâng cao chất lượng trong sinh sản cũng như triển khai phương pháp quản lý chíp điện tử cho các cơ sở sản xuất giống; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật ương nuôi để nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng, đồng thời giảm giá thành sản xuất.

- Đào tạo, huấn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất giống cho các cán bộ kỹ thuật cũng như người dân ở các Trại sản xuất và cơ sở ương giống là các cơ sở vệ tinh trực thuộc,… làm nền tảng cho ngành công nghệ sản xuất giống ngày càng bền vững và hiệu quả.

- Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý về bệnh. Thực hiện chương trình quản lý dịch bệnh, thông báo, dự báo tình hình bệnh, dịch bệnh có thể xảy ra, hướng dẫn người sản xuất quy trình xử lý dịch bệnh.

- Nghiên cứu phòng trị dịch bệnh cho cá nuôi, nâng cao chất lượng con giống để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất, ứng dụng sinh học phân tử và miễn dịch học trong chẩn đoán bệnh thủy sản.

- Phát triển mạng lưới các công nghệ và mô hình nuôi (GAP, BMP, CoC,...) không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nâng cao chất lượng giống thủy sản theo tiêu chuẩn, Nguồn: Chi cục Thủy sản Đồng Tháp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét