Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đào cảnh sau Tết

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đào cảnh sau Tết


1. Cách trồng lại đào
- Đào cảnh trong thời gian chơi Tết thường vừa phát lộc, vừa nở những nụ còn lại, chất dinh dưỡng trong bầu tuy không nhiều vẫn đủ duy trì sự sống cho cây, chỉ cần tưới đủ ẩm cho bầu là được.

- Trước khi trồng đào 10 - 15 ngày dùng một trong các sản phẩm sau: Siêu ra rễ; Vườn sinh thái; A-H502; Orgamin… hoà với nước sạch với nồng độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất in trên bao bì sản phẩm, tưới ướt đẫm bầu. Các chế phẩm này sẽ kích thích phát động bộ rễ sinh trưởng ra hàng loạt rễ mới khi đó ta đem trồng, cây đào sẽ có tỷ lệ sống cao.

- Bón phân cho cây đào thời gian từ 20 ngày sau trồng đến tháng 9 hàng năm. Bón mỗi cây 0,5 - 1kg NPK (12:5:10) trộn với 2ml Siêu phân bón NEB tùy cây lớn hay nhỏ, bón cách gốc 30 - 50cm theo hình chiếu của tán cây, tưới đủ ẩm cho đào trong thời kỳ bón phân để cây sinh trưởng tốt.

2. Tạo tán, tạo thế
Người trồng đào có thể duy trì, củng cố tán cây cũ hoặc phát triển tạo thế cây mới đẹp hơn trên cơ sở hiểu biết được hình dáng các loại thế cây cơ bản qua học hỏi ở tài liệu, kinh nghiệm của người khác và thực tế sản xuất của bản thân. Ví dụ: Thế long giáng hình con rồng sà xuống mặt đất; thế phu thê: hai cành cấp 1 quấn quít lấy nhau; thế quần tụ: tán cao (biểu tượng của cha) tạo bởi thân chính, cao, các tán phụ (biểu tượng của con, cháu) bao xung quanh tạo bằng những cành thấp nhỏ hơn... Việc tạo thế phải tiến hành liên tục 5 - 7 ngày/lần, kết hợp uốn, buộc các cành non vào với nhau hoặc vào một khung bằng nhôm hay tre đã định hình, cắt tỉa bỏ những cành ngoài ý muốn. Thế càng phức tạp, tốn nhiều thời gian và công phu sẽ có giá trị càng cao khi bán ra thị trường.

3. Kinh nghiệm xử lý nở hoa đúng dịp Tết


- Đây là một bí quyết riêng của người trồng đào, phụ thuộc nhiều vào bề dày kinh nghiệm, tay nghề của từng người và là khâu quyết định thành, bại và hiệu quả kinh tế của người trồng đào cảnh.

- Nói chung có một số biện pháp kỹ thuật dùng riêng biệt hoặc phối hợp với nhau như sau, vào đầu hay cuối tháng 11, tuỳ năm nhuận hay năm thường, phụ thuộc vào cây sinh trưởng tốt hay xấu mà áp dụng:

- Không bón phân, tưới nước từ tháng 10 trở đi.

- Tuốt hết lá bằng tay hoặc phun thuốc hoá học, thường dùng Ethrel (thuốc dấm hoa quả Trung Quốc) 5 - 6 lọ (25 - 30ml)/10 lít nước, phun ướt đều tán sau 7 - 10 ngày lá sẽ rụng hết.

- Thiến đào: Dùng dao khoanh 1 hay nhiều vòng xung quanh cành đào, thân đào theo hình xoáy trôn ốc để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng nuôi tán cây, ức chế quá trình sinh trưởng thân lá, kích thích quá trình phát triển ra nụ, ra hoa sau đó 50 - 60 ngày.

- Dựa vào kinh nghiệm hay dự báo thời tiết nếu thấy rét sớm, rét đậm kéo dài cần tuốt lá sớm, kết hợp sưởi ấm bằng cách thắp bóng điện hoặc phun nước ấm lên lá, tưới nước ấm 35 – 40 độ C quanh gốc bổ sung 5 - 6 lần/ngày để duy trì nụ kịp nở đúng thời gian đã định.

- Nếu gặp năm nắng nóng kéo dài cần tuốt lá muộn hơn và phun nước lạnh, nước mát cho đào chậm nở hoa.

- Có thể tạo dáng cổ kính cho cành đào bằng cách khắc vẩy rồng trên thân cành tuỳ theo nhu cầu thị hiếu của từng địa phương. Với đào thế nên đánh cây vào chậu trước khi tuốt lá 1 - 2 tháng.

- Phun sản phẩm Vườn sinh thái, kích tố hoa trái Thiên Nông hay phân bón lá Đầu trâu 701; A-H 502 cho đào 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày trước khi tuốt lá 2 - 3ngày.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đào cảnh sau Tết, Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét