Mô hình thoát nghèo từ nghề nuôi Ong Mật
Biết phát huy lợi thế của một địa phương có diện tích rừng khá lớn, hàng chục năm nay, người dân các xã, thị trấn ở huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật, đưa lại nguồn thu đáng kể để cải thiện kinh tế gia đình, tiêu biểu là xã Hương Hoá.
- Cũng giống như các xã, thị trấn khác ở Tuyên Hoá, Hương Hoá có diện tích rừng tự nhiên và rừng kinh tế khá lớn. Hàng năm, kinh tế vườn rừng đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình ở Hương Hoá. Đối với kinh tế vườn rừng, ngoài phát triển nghề trồng và chăm sóc rừng, xây dựng các mô hình vườn – rừng, vườn – ao – chuồng – rừng…, người dân nơi đây còn phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
- Khi tìm hiểu về nghề nuôi ong ở Hương Hoá, tôi được biết trước đây, hầu như gia đình nào cũng có một vài đàn ong nuôi theo lối tự phát, manh mún, chủ yếu để lấy mật sử dụng trong nhà nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 1998, khi Dự án An toàn lương thực mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong làm kinh tế thì nghề nuôi ong ở đây mới thực sự phát triển. Để giúp người dân có nguồn giống đảm bảo chất lượng, góp phần tăng thêm số lượng đàn, năm 2009, Chương trình 135 đã hỗ trợ 110 đàn ong cho người dân trong xã … Nhờ đó đến nay, toàn xã có 80 hộ nuôi ong, với số lượng lên đến gần 400 đàn ong, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 3.000 lít mật thương phẩm, thu về gần 500 triệu đồng. Tiêu biểu như hộ ông Võ Văn Mạnh, thôn Tân Đức 1 có 50 đàn ong, mỗi năm thu 400 lít mật, thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Ông Mạnh cho biết, đối với nghề nuôi ong, ngoài vốn đầu tư ban đầu để mua giống, làm chuồng thì hầu như không tốn chi phí thức ăn, lợi nhuận thu được trên mỗi đàn ong là khá cao so với nhiều loại vật nuôi khác.
- Ngoài điều kiện thuận lợi về mặt tự nhiên, những năm qua, nghề nuôi ong ở Hương Hoá cũng đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền xã. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay và chương trình ưu đãi, Ủy ban Nhân dân xã Hương Hoá còn phối hợp với các cấp, các ngành liên quan ở Tuyên Hoá mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho bà con nông dân cũng như phân công cán bộ khuyến nông bám sát địa bàn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong và thu hoạch sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thôn Tân Sơn 110 đàn ong để thả nuôi lấy mật.
- Đây là một trong những mô hình hay, không cần đầu tư nhiều vốn, chỉ cần có chút kinh nghiệm và có diện tích rừng tự nhiên, rừng kinh tế dồi dào, nhiều hộ nông dân nghèo ở Hương Hoá nói riêng, huyện miền núi Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình nói chung đã thực sự thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khấm khá hơn nhờ nghề nuôi ong lấy mật.
Mô hình thoát nghèo từ nghề nuôi ong mật, Nguồn: Khuyến nông Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét