Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm

Phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm



Ngày 24/12/2011, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2011, triển khai kế hoạch năm 2012. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.

- Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2011 ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết diễn biến phức tạp; giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao; vốn đầu tư hạn hẹp với lãi suất cao. Tuy nhiên, toàn ngành đã tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển toàn diện, đời sống của phần lớn cư dân nông thôn tiếp tục được cải thiện.

- Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản (theo giá cố định 1994) tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nông nghiệp tăng 4,78%, lâm nghiệp tăng 5,74%, thủy sản 6,39%, tốc độ tăng trưởng ngành (GDP) đạt khoảng 3%.
Trong năm 2011, Bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất, đồng thời chỉ đạo chặt chẽ thời vụ, cơ cấu giống, quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ và phòng trừ kịp thời, hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Theo đó, sản lượng các loại nông, lâm, thủy sản đều tăng so với năm 2010, cụ thể sản lượng lúa cả năm đạt 42,2 triệu tấn, tăng trên 2,2 triệu tấn so với năm 2010, xuất khẩu 7,17 triệu tấn gạo; sản lượng ngô 4,646 triệu tấn; sắn 9,9 triệu tấn; khoai lang 1,395 triệu tấn; rau xanh các loại 13,3 triệu tấn; sản lượng đậu hạt 188,4 nghìn tấn. Các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao và thị trường thuận lợi đều tăng về diện tích và sản lượng, trong đó cây cao su 834,2 nghìn ha; cà phê 571.000 ha; hồ tiêu 51,5 nghìn ha; chè 126,3 nghìn ha. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,31 triệu tấn, sữa tươi ước 340 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản đạt 5,4 triệu tấn, vượt 8,6% so với mục tiêu kế hoạch và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2010. Trồng rừng sản xuất ước 190 nghìn ha, vượt 16% mục tiêu kế hoạch.

- Ước cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 25 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2010. Trong năm 2011 ngành nông nghiệp có 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: thủy sản 6,1 tỷ USD, đồ gỗ 4,1 tỷ USD, và mặt hàng cao su 3,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như cà phê 2,7 tỷ USD, hạt điều trên 1,5 tỷ USD… Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên nông, lâm, thủy sản trong nước, nhất là những loại nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao, kích thích sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được quan tâm chỉ đạo khắc phục; đó là: công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề còn phổ biến, công tác đổi mới tổ chức quản lý sản xuất chậm chuyển biến, còn nhiều bất cập.

- Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những kết quả mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2011. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2012, ngành cần tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong đó tăng sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản; dự báo giá cả thị trường các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của các sản phẩm phục vụ xuất khẩu; tăng cường thu hút đầu tư khu vực tư nhân vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng kế hoạch, phương hướng phát triển trên cơ sở có tính toán đến tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn những việc cụ thể, dễ hiểu gắn với thực tế của nông dân. Việc đào tạo cũng chỉ nên trong thời gian ngắn (từ 3 tháng trở xuống). Vấn đề tái cơ cấu ngành là nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung thực hiện trong năm 2012.

- Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nêu rõ năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và là năm thứ 2 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 với nhiều mục tiêu, chương trình lớn. Do vậy, các nhóm vấn đề ngành cần triển khai trong năm 2012 đó là: chuyển đổi cơ cấu đầu tư, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế; tiếp tục đổi mới về thể chế chính sách liên quan tới phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực; và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện các luật phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, việc tái cơ cấu ngành là lựa chọn phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của các vùng, miền, trong đó chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi, đẩy mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến gắn với các hoạt động thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

- Chương trình nông thôn mới cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu hơn 90% số xã có quy hoạch chung được phê duyệt. Ưu tiên các hoạt động phát triển sản xuất tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; triển khai một bước các nội dung về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và một số công trình cơ sở hạ tầng cấp thôn, bản gắn với phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất và phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…

- Một số chỉ tiêu tăng trưởng của Ngành Nông nghiệp và PTNT năm 2012
1. Tăng trưởng GDP toàn ngành từ 2,5 - 2,6%.
2. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ 4 - 4,5%.
3. Kim ngạch xuất khẩu đạt 25,5 - 26,0 tỷ USD.
4. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,1%.

Phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm, Nguồn: Khuyến nông Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét