Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Cách phòng trừ Sâu Cuốn Lá Lúa

Cách phòng trừ Sâu Cuốn Lá Lúa


Cách phòng trừ sâu cuốn lá lúa by CC BVTV | Cach phong tru sau cuon la lua

Sâu cuốn lá nhỏ hại lúa Cnaphalocrocis medinalis Guenée là một loài côn trùng thuộc họ Pyralidae (Ngài Sáng), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).


1. Phân bố
Sâu cuốn lá nhỏ C. medinalis xuất hiện từ Nhật Bản, theo hướng Đông Nam Á xuống đến châu Úc và đã gây hại nhiều ở các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Hawaii, Lào, Madagascar, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Thái Lan và Việt Nam.

2. Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành sâu cuốn lá (ngài) có màu vàng rơm, kích thước thân dài 8 – 10 mm. Khi đậu cánh xếp hình tam giác, cánh trước màu tro có rìa cánh màu đen đậm, trên cánh trước có 3 đường ziczac cắt ngang. Cánh sau có 2 đường ziczac, đường mép dài, đường gốc ngắn. Mép ngoài của cánh có viền màu nâu sẫm hoặc xám.

- Trứng có màu vàng nhạt, hình bầu dục, trứng có rải rác ở cả mặt trên và mặt dưới lá (nhưng chủ yếu ở mặt trên lá) gần gân chính.

- Ấu trùng có 5 tuổi và thường có màu xanh lá mạ đến vàng, đầu màu nâu, giai đoạn lớn tối đa có thể dài khoảng 3 cm. Khi đụng đến sâu búng mạnh nhả tơ và rơi xuống.
Nhộng màu nâu sậm, thường thấy trong lá bị cuốn.

3. Đặc điểm sinh học và sinh thái
- Vòng đời: 30 - 37 ngày
+ Trứng: 3 - 4 ngày
+ Sâu non: 18 - 25 ngày
+ Nhộng: 6 - 8 ngày
+ Trưởng thành (ngài): 2 - 6 ngày


- Ngài hoạt động ban đêm có xu tính mạnh với ánh sáng (ngài cái có xu tính mạnh hơn).

- Ngài hoạt động mạnh nhất là lúc từ 9 - 10 h đêm đến gần sáng.

- Ngài đẻ trứng rải rác, từ 1- 3 trứng/lá, mỗi con cái có thể đẻ trên 50 trứng. Trứng thường thấy ở những vùng lúa tốt. Sâu non mới nở hoạt động rất nhanh nhẹn, tập trung vào lá non cắn nhu mô lá chỉ chừa một phần biểu bì mỏng nên dễ phát hiện triệu chứng hại. Sâu tuổi 2 – 3 trở đi nhả tơ đính hai mép lá cuốn thành tổ nằm bên trong gây hại. Sâu tuổi 4 – 5 dệt gập lá theo chiều ngang hoặc chập nhiều lá thành bao, sâu có thể cuốn 2 – 5 lá ép vào nhau làm tổ, trong một giai đoạn phát triển sâu có thể phá 5 – 9 lá.

- Sâu càng lớn thì tổ càng lớn, sâu thải phân trong tổ do vậy khi trời mưa hoặc ẩm độ cao lá dễ bị thối rữa, thường chỉ có 1 con sâu non/cuốn lá.

- Sâu làm nhộng ngay trong lá, chúng có thể chui ra, cắn đứt 2 đầu bẹ lá, nhả tơ bịt kín 2 đầu và làm nhộng bên trong. Phần lớn hóa nhộng trong kẽ lá già hoặc khe hở giữa các tép lúa. Nhộng chỉ có lớp tơ mỏng không có kén đặc biệt.

- Sâu cuốn lá gây hại ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông. Những giống lúa có bản lá rộng, thân mềm thường bị hại nặng. Ruộng lúa sử dụng phân bón cao, đặc biệt dùng đạm nhiều cũng bị sâu cuốn lá gây hại nặng.

- Sâu cuốn lá thường tập trung gây hại ở những vùng lúa ven bờ hoặc ruộng ven hồ mương.

4. Dấu hiệu bệnh và biện pháp phòng trị
a) Triệu chứng
Lá lúa bị cuốn, ấu trùng cắn phần mô trong ống lá chừa lại biểu bì tạo ra những sọc trong và trắng theo chiều dọc của phiến lá. Mỗi phiến lá có thể có nhiều sọc bị cắn phá .

b) Biện pháp phòng trừ
- Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.

- Điều chỉnh mật độ cấy hợp lý (<120kg/ha).

- Sử dụng phân bón hợp lý, đặc biệt phân đạm vừa phải.

- Thành phần thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ hiện nay rất lớn trên đồng ruộng, do vậy cần điều tra đánh giá vai trò của thiên địch trước khi dùng thuốc. Không nên xịt thuốc trong giai đoạn 40 ngày đầu sau khi sạ.

- Một số loại thuốc hoá học có thể trừ được sâu cuốn lá như nhóm hoạt chất Cartap (Padan 95 SP, Patox 95SP…), nhóm hoạt chất Fipronil (Regent 800WG, Tango 800WG…), nhóm hoạt chất Indoxacarb (Ammate 150 SC)…, tuy nhiên chỉ nên xem xét việc dùng thuốc hóa học khi cây lúa ở thời kỳ 40 ngày sau sạ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét