Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012

Kỹ thuật trồng Nấm Rơm

Kỹ thuật trồng Nấm Rơm


Kỹ thuật trồng nấm rơm by Hội Nông Dân Cần Thơ | Ky thuat trong nam rom



Mấy năm qua, người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã mở rộng nhiều mô hình sản xuất mới để cải thiện cuộc sống. Trong đó mô hình trồng nấm rơm được xem là hiệu quả nhất, bởi vốn đầu tư thấp lại mau thu hoạch.

I. Lý do chọn trồng nấm rơm
- Ông Hồ Văn Khanh, một người có kinh nghiệm gần chục năm làm nấm ở xã Phong Thạnh nói: “Trồng nấm rơm là nghề làm ra tiền nhanh nhất. So với các loại cây trồng khác thì trồng nấm rơm đồng vốn quay vòng nhanh, sau khi rải meo giống khoảng 15 ngày là thu hoạch được”.

- Người trồng nấm rơm có thể cho thu hoạch nấm theo ý mình, chủ động được thời vụ, hạn chế được rủi ro. Nghề trồng nấm rơm còn tận dụng được thời gian nông nhàn trong gia đình, giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương.

- Trồng nấm rơm bước đầu đem lại hiệu quả cao, tận dụng phế phẩm trong nông nghiệp làm nấm, sau đó dùng rạ sau khi làm nấm xong bón cho gốc cây, cải tạo đất trồng cây lâu năm, giữ được môi trường sinh thái ở địa phương. Hội nông dân xã đang lập các dự án giải quyết cho các hộ làm nấm vay vốn, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, để ngày càng nhân rộng mô hình này. Những hộ trồng nấm ở xã Phong Thạnh đều đã có thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện, góp phần đáng kể trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

- Nấm rơm dễ trồng, mọc tốt trên các thực liệu là phế phẩm nông nghiệp. Trồng được quanh năm trong điều kiện ở miền Nam khi nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 25 – 30 độ C. Sau đây, xin giới thiệu kỹ thuật trồng nấm rơm như sau:

II. Kỹ thuật trồng nấm rơm
1. Nguyên liệu
Nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm rơm là rơm rạ, và đạt những yêu cầu sau:
- Nguyên liệu phải sạch, để nơi không bị mưa dột, ẩm ướt.

- Sạch vi sinh vật và không nhiễm những lọai nấm mốc ký sinh, không có dư lượng thuốc trừ sâu,bệnh, không bị nhiễm nước phèn mặn.

- Chưa bị phân hủy hoặc mục nát.

2. Xây dựng nhà trồng nấm
- Chọn nền đất: Chọn những nền đất cứng, cao ráo, cao hơn mặt đất bình thường từ 0,3 – 0,5 m. Nhà trồng kín bằng Nylon trắng trên nóc và xung quanh lợp bằng Nylon, nên làm theo hướng Đông - Tây để ánh sáng phân bố đều. Trên 2 vách chừa 2 lỗ có kích thước khoảng 20 x 25cm để làm mát Ban đêm mở cửa để nấm thải thán khí (CO2). Ban ngày có thể che bớt ánh sáng nếu cường độ ánh sáng qúa cao.

- Bên trong nhà trồng nấm làm những dàn kệ cách nhau 70cm, cao 2m, mỗi dàn kệ làm thành từng ngăn, ngăn này cách ngăn kia 40cm, dày 40cm.

3. Meo giống
Cần phải chú ý kỹ đến việc chọn meo giống vì meo giống tốt là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc trồng nấm. Meo giống tốt là bịt meo có tơ nấm phát triển trắng đều, đồng thời bào tử kết thành những lấm tấm đỏ muối ớt. Meo giống từ 10 - 15 ngày tuổi đem ra trồng là tốt nhất.

4. Bổ sung các chất dinh dưỡng
Ngoài vật liệu là rơm rạ, meo giống chúng ta phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho tơ nấm phát triển tốt. Các chất dinh dưỡng được trộn đều trong rơm rạ như sau: Trong 100kg thực liệu cần 1kg urê, 2,5kg Super lân, 1kg Sunphat Kaly. Trộn 1 lần trong giai đoạn ủ rơm.

5. Các giai đoạn tiến hành
a) Giai đoạn xử lý rơm
Xử lý rơm bằng nước vôi: Ngâm rơm trong nước vôi trộn cho đều, cần chú ý độ pH của nước vôi trước khi xử lý bằng 11 độ, nhưng sau giai đoạn xử lý rơm thì độ pH trong nước còn lại 7 là thích hợp nhất.

b) Giai đoạn ủ rơm
- Thời gian ủ: 10 ngày.

- Trong giai đoạn này cần chú ý tới độ ẩm và chất lượng của rơm. Rơm sau khi xử lý bằng nước vôi rải rơm rạ đều lên nền ximăng, cho thêm nước vào (nước có pH= 7), để rơm có đủ độ ẩm cần thiết và cần bổ sung các chất dinh dưỡng N,P,K (như đã nói phần trên). Sau đó, dùng tấm Nylong phủ rơm cho kín khí. Độ dày của lớp rơm rạ khoảng 0.5m là tốt nhất Sau thời gian ủ 7 ngày, đảo rơm một lần để tạo điều kiện cho quá trình lên men thực liệu tốt hơn và phủ kín Nylong trở lại.

c) Giai đoạn đóng gói, cấy meo
Rơm sau khi xử lý, trộn đều và đóng thành từng khối, dùng một khung bằng gỗ có dạng khối che kín 5 mặt có kích thước 0.22 x 0.15 x 0.12cm để làm khung. Dùng một miếng Nylon vừa đủ rộng trải trong khung cho rơm rạ đã xử lý vào khung nén chặt tạo thành từng khối. Cấy meo giống vào 2 đầu khối thực liệu, sau đó gói kín bằng tầm Nylon trên, để vào phòng 6 ngày chú ý đậy kín, sau 6 ngày dở ra mở tấm nylon gói đưa vào nhà trồng. Các khối nấm được đặt chồng lên nhau trên các kệ đã thiết kế.

d) Giai đoạn chăm sóc và thu hoạch
- Trong giai đoạn này, cần chú ý tưới nước để đảm bảo ẩm độ cho nấm phát triển, ẩm độ thích hợp nhất là 90%. Dùng bình xịt thuốc để tưới là tốt nhất. Trong các ngày nắng nóng cần theo dỏi sự biến động ẩm độ của nhà trồng để có chế độ tưới phù hợp.

- Sau 7 ngày có thể thu hoạch đợt 1. Khi thu hoạch cần chú ý dùng dao nhọn xắn quanh gốc nấm tránh phạm vào các gốc nấm khác và làm đứt tơ nấm.

- Sau khi thu hái, nấm rơm vẫn sinh trưởng, phát dục nên phải tiến hành chăm sóc tốt để tránh ảnh hưởng đến năng suất. Sau 2 - 3 ngày thu hoạch 1 lần số lần thu hoạch kéo dài từ 5 – 6 lần tuỳ thuộc vào sự chăm sóc.

- Sau khi tận thu thực liệu trên có thể ủ để làm phân bón, nuôi trùn... Nếu tiếp tục trồng nấm phải được các ly ít nhất là 5 ngày và xử lý kỹ bằng Formol để trừ các sâu bệnh hại trước khi trồng đợt khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét