Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Những điều cần lưu ý trong kỹ thuật trồng Nấm

Những điều cần lưu ý trong kỹ thuật trồng Nấm

Những điều cần lưu ý trong kỹ thuật trồng nấm by Báo Phú Yên | Nhung dieu can luu y trong ky thuat trong nam


Mùa mưa là thời gian sinh trưởng và phát triển tốt nhất của cây nấm, nhằm giúp bà con nông dân thêm một số kinh nghiệm, Báo Phú Yên xin giới thiệu qui trình trồng nấm rơm và nấm bào ngư (nấm sò) mà các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng (TTG&KTCT) Phú Yên với sự giúp đỡ và chuyển giao công nghệ của Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp đã đúc kết được.

- Hai vấn đề quan trọng trong quá trình trồng nấm là giống và môi trường. Theo thạc sĩ Đỗ Văn Ngọc, quy trình nhân giống không hợp vệ sinh sẽ tạo ra nguồn giống chất lượng kém, dẫn đến năng suất thấp. Hiện nay, TTG&KTCT Phú Yên là nơi cung cấp nguồn giống tin cậy của bà con nông dân trong tỉnh. Anh Ngọc cho biết, giống gốc mua tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, sau đó TTG&KTCT tiến hành các bước cấy chuyền cho ra giống cấp III và bán cho nông dân.

- Quy trình nhân giống được tiến hành trong phòng thí nghiệm, mục đích nhằm tăng nhanh số lượng giống. Từ giống gốc, các cán bộ kỹ thuật tiến hành cấy chuyền tạo giống cấp I trong môi trường thạch nghiêng (agar). Sau đó, lại được cấy chuyền trên môi trường hạt tạo giống cấp II, giai đoạn này số lượng giống được nhân đôi. Tiếp tục cấy chuyền giống cấp II trên thóc, rơm, cọng sắn để tạo ra giống cấp III với số lượng được nhân gấp 20 - 30 lần. Người nông dân mua giống cấp III và tiến hành nuôi trồng trên giá thể.


- Giá thể nuôi trồng nấm là nguồn phế phẩm nông nghiệp giàu xenlulo như rơm, rạ, bã mía, bông phế loại, mùn cưa… Nấm rơm đặc biệt thích hợp với giá thể rơm, còn nấm bào ngư thì có thể cấy trồng cả trên giá thể mùn cưa và bả mía.


- Nguyên liệu làm giá thể trồng nấm rơm được xử lý bằng nước vôi pH = 12 và ủ thành đống có kích thước tối thiểu 1,5 x 1,5 x 1,5m từ 3 - 4 ngày. Sau đó, đảo đều nguyên liệu và bảo đảm độ ẩm 65 - 70%, 3 - 4 ngày sau tiến hành đóng mô hoạc vào khuôn cấy giống. Trong khoảng 9 - 12 ngày nấm sẽ ươm sợi và phát triển sau 5 - 10 ngày có thể thu hoạch.

- Đối với nguyên liệu làm giá thể trồng nấm bào ngư, các bước cũng được tiến hành tương tự nhưng thời gian ủ đống dài ngày hơn, khoảng 7 - 10 ngày. Sau khi đảo chỉnh độ ẩm từ 65 - 85% thì tiến hành một trong hai cách: băm nguyên liệu và ủ lại 2 - 3 ngày rồi cho vào bao nilon đóng thành bịch và cấy giống; hoặc đóng bịch và hấp tiệt trùng trước khi cấy giống. Sau 15 - 20 ngày, khi nấm ươm sợi thì tiến hành rạch bịch cho nấm phát triển, rồi treo ở nơi thoáng, kín gió.

- Nấm phát triển thích hợp ở nhiệt độ 27 độ C, dưới ánh sáng tán xạ. Vì vậy mùa nắng phải đảm bảo cho nấm tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào, bảo ôn nhiệt độ và thoáng khí để nấm tăng trưởng tốt.

- Đầu tư 1 tấn giá thể trồng nấm rơm khoảng 650 nghìn đồng, sau 1 tháng có thể thu hoạch được 100 - 120 kg nấm. Với giá bán sỉ 10 nghìn đồng/kg thì lợi nhuận thu được từ 350.000 – 550.000/tấn giá thể. Nấm bào ngư được trồng trên giá thể trong bịch nilon nên chi phí đầu tư tương đối cao, mỗi tấn giá thể từ 1,4 - 1,5 triệu đồng. Sau 2,5 - 3 tháng thu hoạch có thể lãi 1 triệu đồng/tấn giá thể.

- Từ đầu năm 2005, TTG&KTCT đã triển khai trồng thí nghiệm 5 loại nấm: rơm, bào ngư, mộc nhĩ (nấm mèo), trà tân (trân châu) và linh chi tại trại sản xuất giống Hòa An, huyện Phú Hòa. Thành công của các anh thu hút sự chú ý của bà con nông dân ở địa phương và nhiều hộ cũng trồng thử. Hiện TTG&KTCT đã phổ biến quy trình trồng nấm cho bà con nông dân xã Hòa Đồng huyện Tây Hòa và có kế hoạch hoàn thiện cơ sở vật chất để đi vào sản xuất đại trà các loại giống nấm chất lượng vào năm 2006.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét