Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Kỹ thuật nuôi Chồn Hương sinh sản

Kỹ thuật nuôi Chồn Hương sinh sản


Những năm gần đây phong trào nuôi chồn hương (tên khoa học: Viverricula indica) khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên việc cho chồn hương sinh sản và tăng đàn thì không phải ai cũng làm được. Gần đây trang trại chồn hương giống của anh Nguyễn Thái Bình ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, đã cho sinh sản thành công giống chồn hương, chủ động cung cấp con giống cho thị trường.


- Trao đổi với chúng tôi, anh Bình cho biết: Trước đây gia đình ở quận 1, TPHCM, sau khi tốt nghiệp Đại học hàng hải ở Liên Xô, anh về mở Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản. Cuộc sống phố thị ồn ào đã không níu giữ được bước chân anh, năm 2000 anh tìm về Củ Chi, một vùng đất thời chiến tranh được mệnh danh là “đất thép” để xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi. Anh đã từng nuôi sinh sản giống ếch Thái Lan, nuôi lươn đồng, heo rừng, chồn hương. Sau những năm vật lộn với nghề nông, anh thấy con chồn hương có duyên làm giàu với mình nhất.

- Anh Bình kể: Trong một lần đi hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo rừng cho một người bạn ở trên Lâm Đồng, tình cờ có người gạ bán cho 4 con chồn nhỏ xíu mới bắt ở rừng. Nhìn chúng như những con mèo con yếu ớt lắm, giá bán có 30.000đ, anh liền mua đại về để nuôi thử. Hồi mới nuôi do chưa có kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, hơn nữa chồn mới bắt ở rừng về chưa quen thức ăn và môi trường mới, chúng yếu dần. Không nản chí anh lặn lội tìm kiếm thông tin trên mạng, sách báo, cuối cùng anh cũng tìm được một số kiến thức rất bổ ích và nhanh chóng áp dụng cho những con chồn của mình. Sau 2 năm vừa mày mò nghiên cứu vừa thuần hoá, đàn chồn hồi phục nhanh, phát triển tốt. Hiện nay trại của anh Bình phát triển đàn lên tới 30 cặp chồn bố mẹ và 100 con chồn giống.

- Anh Bình cho hay: Ở Việt Nam, người dân thường gọi chồn hương hay cầy hương, cầy xạ, chồn mướp…; thịt chồn hương mềm, thơm, ngọt, da và xương được dùng như một vị thuốc y học cổ truyền. Chồn hương đực có tuyến xạ hương, xạ hương là dược liệu quý, vị cay, tính ấm, có tác dụng chống độc, tiêu viêm, giảm đau, thông kinh, ngoài ra thịt chồn hương đang là món ăn đặc sản. Ở nước ngoài xạ hương được dùng trong công nghệ chế biến nước hoa, mỹ phẩm… chính vì vậy chồn sinh sản ra không đủ cung cấp cho thị trường, giá bán chồn giống hiện nay là 10 triệu đồng/cặp.

- Qua nhiều năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Thái Bình đã tích cóp được nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ với bà con nông dân. Trước hết phải biết nhận dạng con cái con đực: Ngay từ khi chồn còn nhỏ, đặt chúng nằm ngửa để kiểm tra, nếu có gai giao cấu lồi ra là con đực, không thấy là con cái.

- Chuồng trại: Có thể tận dụng chuồng nuôi heo cũ, dùng vật liệu gỗ hoặc lưới thép vuông 3cm. Đóng thành từng ô chuồng cao 70cm, ngang 1m, dài 1,2m. chuồng nuôi cầy hương làm theo hướng đông nam, có mái che, thoáng mát, cao ráo, đảm bảo mùa đông ấm, hè mát. Chuồng nuôi chồn sinh sản nên làm bằng gỗ, dùng các thanh gỗ dầy 1cm, rộng 3cm bào nhẵn, đóng xung quanh, để khe hở 1cm, ở dưới đáy có vỉ gỗ hoặc tre, đóng dày hơn, để dễ cho việc vệ sinh, chồn con không bị kẹt chân. Chồn hương trưởng thành có thân hình thon dài trung bình từ 55 – 75 cm, cân nặng trung bình từ 2 – 5 kg.

- Chọn giống bố mẹ: Chọn những con khoẻ mạnh, không bị thương tật, lông mượt, mắt mũi nhanh nhẹn, tinh tường.

- Thức ăn: Thông thường anh Bình cho ăn cơm, cháo nấu với cá biển. Một ngày cho ăn 1 bữa chính vào lúc 6 giờ tối, ban ngày cho ăn thêm trái cây có độ ngọt cao như mít, chuối, đu đủ…

- Qua việc nuôi chồn hương giống và chồn thương phẩm, một năm gia đình anh Nguyễn Thái Bình thu về khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay con giống sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường, thấy anh Bình sản xuất được con giống tốt bà con nông dân trong và ngoài huyện tới tham quan, học hỏi đều được anh hướng dẫn tận tình chu đáo.
- Theo anh Bình: Mùa sinh sản chồn hương không rõ ràng nhưng thường tập trung vào tháng 2 – 10 âm lịch, chồn nuôi được 8 tháng tuổi trở lên nếu sinh trưởng và phát dục tốt có thể giao phối lần đầu (nhưng tốt nhất để chồn 12 tháng tuổi ta hãy cho giao phối). Biểu hiện động đực thường không rõ ràng, nhất là chồn bắt từ thiên nhiên. Trong điều kiện nuôi nhốt, nếu cho ăn tốt, chồn thường động dục thường xuyên hơn. Nếu khi phối giống chồn không chửa thì sau 30 ngày chồn sẽ động đực, ta sẽ cho giao phối lại. Chồn hương ở ngoài thiên nhiên một năm đẻ được 1 lứa, chồn đã được thuần hoá, một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ trung bình từ 4 – 6 con.

- Một số biểu hiện khi chồn động dục: Chồn cái thường bỏ ăn 3 ngày, phá chuồng, phát ra tiếng kêu lạ. Chồn đực tiết ra mùi thơm (xạ hương) để quyến rũ con cái, thời gian này ta bắt con cái cho vào chuồng con đực để cho chúng giao phối. Lưu ý khi phát hiện chồn có biểu hiện động dục cần cho chồn giao phối ngay, khi giao phối xong, tách con cái, con đực nuôi riêng. Thời gian chồn mang thai khoảng 90 ngày, chồn con mới đẻ ra từ 7 – 10 ngày mới mở mắt, thời gian này chồn mẹ cho chồn con bú.

- Nếu chồn đẻ nhiều tách từng cặp cho bú luân phiên, khoảng 1 tuần sau nhốt chung trở lại. Trước khi đẻ khoảng 30 ngày cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cho chồn mẹ như: Bcomplex, Vitamin tổng hợp…. Sau khi sinh cần cho chồn mẹ uống nước đầy đủ. Chồn con được 35 ngày tuổi, chồn tự ăn thức ăn với mẹ được, từ lúc đẻ tới lúc xuất chuồng khoảng 60 ngày, trọng lượng đạt 400 – 600g/con.

Kỹ thuật nuôi chồn hương sinh sản, Nguồn: Khuyến Nông Việt Nam.

1 nhận xét: