Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Kỹ thuật nuôi Ếch Thái

Kỹ thuật nuôi Ếch Thái


Kỹ thuật nuôi ếch Thái by K.s Minh Kỳ | Ky thuat nuoi ech thai

I. Đặc điểm sinh học
1. Phân bố
Ếch là động vật lưỡng cư sống được cả trên cạn và dưới nước, ếch có khả năng hô hấp bằng phổi và qua da. Ếch phân bố khắp nơi ao hồ, đồng ruộng, sông ngòi, những nơi ẩm ướt và có nguồn nước ngọt. Thịt ếch trắng hồng, dai, thơm ngon là nguồn cung cấp đạm rất tốt cho con người.


2. Dinh Dưỡng
Trong tự nhiên, ếch là loài ăn động vật sống, con mồi phải di động như các loài côn trùng, giun, ốc, cá con, tép... Trong điều kiện nuôi sử dụng được thức ăn công nghiệp.

3. Sinh trưởng
- Ếch đồng: nuôi từ cỡ ếch giống 3 - 5g/con, sau 1 tháng có thể đạt 25 - 30g/con, 3 - 4 tháng thành ếch thương phẩm cỡ 80 – 100g/con. Sống ngoài tự nhiên ếch 1 tuổi, con cái nặng 60g, con đực nặng 50g.

- Ếch Thái Lan: nuôi từ cỡ ếch giống 3 - 5g/con, sau một tháng có thể đạt từ 50 - 70g/con, 2,5 - 3 tháng ếch đạt từ 150 - 300g/con lúc này có thể bán ếch thương phẩm.

4. Sinh sản
- Ếch sau khi đạt 10 - 12 tháng tuổi thì có thể tham gia sinh sản. Mùa vụ sinh sản của ếch bắt đầu từ tháng chạp đến tháng 9 âm lịch. Ếch đẻ rộ vào mùa xuân, những đêm mưa rào, ếch đực dùng tiếng kêu để tìm bạn tình, ếch đực kêu to vang vọng là nhờ có hai túi kêu mỏng thông với xoang miệng như hai chiếc loa thùng khuếch đại âm thanh. Còn ếch cái chỉ kêu nhỏ nhẹ và rời rạc.

- Sức sinh sản của ếch: 20.000-30.000 trứng/1kg ếch cái.

II. Sản xuất giống
1. Nuôi vỗ ếch bố mẹ
1.1. Nơi nuôi vỗ
- Ta có thể tận dụng diện tích trống trong vườn để làm bể nuôi vỗ ếch bố mẹ.

- Diện tích: 4 - 6m2.

- Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh, gần nguồn nước sạch.

- Thiết kế bể nuôi giống như bể nuôi ếch thịt.

1.2. Phân biệt đực cái
- Ếch đực: Có 2 màng kêu (2 chấm đen) ở hàm dưới, hai bên hầu, gọi là túi âm thanh. Bàn chân trước nhám hơn, ngón chân trước có mấu thịt hoá sừng (chai sinh dục), da ếch đực màu xám, không trơn bóng như ếch cái, cùng tuổi, ếch đực nhỏ hơn ếch cái, ếch đực càng già, màng kêu càng to, tiếng kêu càng dõng dạc vang xa.

- Ếch cái: Không có đặc điểm như ếch đực, đến mùa sinh sản thì ếch cái bụng to, mềm hơn ếch đực.

1.3. Chọn ếch bố mẹ
- Chọn những con ếch khỏe mạnh, đạt từ 10 - 12 tháng tuổi.

- Mật độ nuôi: 3 - 5 con/m2.

- Trong quá trình nuôi vỗ nên nuôi ếch đực và cái riêng, thời gian nuôi tối thiểu 1 tháng trước khi cho đẻ.


1.4. Chăm sóc và quản lý
- Trong quá trình nuôi vỗ nên tăng tỷ lệ đạm động vật trong khẩu phần thức ăn, ngoài giun, giòi, cua, ốc, trong thức ăn chế biến có 30% thịt cá và 70% bột ngũ cốc.

- Khâu chăm sóc và quản lý giống như nuôi ếch thịt.

- Thường xuyên kiểm tra độ thành thục của ếch để tiến hành cho sinh sản.

2. Cho ếch sinh sản
- Bể đẻ phải bố trí ở nơi yên tĩnh, điều kiện cấp thoát nước thuận tiện.

- Diện tích từ 10 - 15m2, tùy điều kiện nông hộ mà diện tích có thể thay đổi cho phù hợp.

- Mức nước sâu 20 - 25cm.

- Tỉ lệ đực:cái: 1:1.

- Mật độ thả: 3 - 5 cặp/m2.

- Trước khi đẻ ếch đực kêu báo hiệu gọi ếch cái và sau trận mưa rào ếch thường đẻ vào gần sáng.

- Khi ếch đẻ phải giữ thật yên tĩnh để đàn ếch đẻ trong thời gian dài.

- Nếu không có mưa ta tiến hành kích thích bằng cách tạo mưa nhân tạo hay kích nước.

- Để cho ếch đẻ đồng loạt ta có thể sử dụng kích dục tố để kích thích. Thuốc kích thích thường dùng là HCG, tiêm với liều lượng 3.000 – 4.000 UI/kg ếch cái, liều tiên ếch đực bằng 1/3 liều so với ếch cái..

- Khi ếch đẻ xong ta có thể bắt ếch bố mẹ ra tiếp tục nuôi vỗ.

- Trứng thụ tinh tốt có cực động vật rõ rệt (màu đen), trứng không có cực động vật là trứng ung (hư).

- Tỷ lệ thụ tinh 70 - 80%.

* Lưu ý: nếu đưa trứng đi nơi khác ấp không được lật ngược mảng trứng, cực động vật phải hướng về phía trên.

3. Ương ếch giống
- Trứng sau khi đẻ 24 giờ thì nở thành nòng nọc. Sau 48 giờ nòng nọc bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Vào lúc này ta nên bổ sung trứng nước làm thức ăn cho ếch với lượng 100 - 200g/10.000 nòng nọc.

- Sau 3 ngày: cho nòng nọc ăn trùng chỉ, cá tạp xay nhuyễn, thức ăn công nghiệp dạng bột cho ăn với lượng 15 - 30% trọng lượng.

- Sau 21 - 25 ngày nòng nọc bắt đầu rụng đuôi thành ếch con. Giai đoạn này cho ếch ăn thức ăn công nghiệp với lượng 10 - 15% trọng lượng.

- Sau 45 ngày ương ếch đạt kích cỡ 5 - 6g/con ta có thể bán giống hoặc chuyển sang nuôi thương phẩm.

- Trong suốt quá trình ương nên thường xuyên thay nước, vệ sinh bể ương 2 ngày/lần, định kỳ trộn thêm vitamin, men tiêu hóa cho ếch.

III. Kỹ thuật nuôi ếch thịt
1. Xây dựng bể nuôi
- Có thể tận dụng đất dư thừa trong vườn làm bể hoặc chuồng heo đã bỏ nuôi để nuôi ếch.

- Bể nuôi ếch có diện tích trung bình 6 - 10m2, tường cao 1,2 - 1,5m, có lưới đậy để tránh ếch nhảy ra, hạn chế ánh nắng trực tiếp và làm tăng nhiệt độ. Đồng thời, tránh kẻ thù gây hại như: rắn, mèo, chuột, chim…

- Đáy bể nên làm hơi nghiêng để dễ thay nước.

- Mực nước trong bể nuôi 20-25cm. Nên thường xuyên phun nước tưới cho ếch, nhất là vào lúc trưa nắng.

- Lưu ý: bể nuôi ếch không nên che mát hoàn toàn. Trong bể nuôi nên làm những ụ đất hoặc phao (bè) nổi trên mặt nước đủ cho tất cả ếch trong bể có thể trú ngụ.

2. Chọn giống và mật độ thả nuôi


- Ếch cạnh tranh thức ăn rất cao dẫn đến phân đàn mạnh và ăn thịt lẫn nhau. Nên chọn đàn ếch cùng ngày tuổi và cùng kích thước, khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát, dị tật và thả với mật độ hợp lý là hết sức quan trọng và quyết định năng suất sau này.

- Ếch giống cỡ 5 - 6g/con, đảm bảo chất lượng và quen ăn thức ăn viên.

- Ếch 5 - 70g/con: thả 150 - 200 con/m2.

- Ếch 70 - 150g/con: thả 100 - 150con/m2.

- Ếch 150g/con trở lên: thả 80 - 100 con/m2.

- Trước khi thả giống nên tắm ếch bằng nước muối 3% trong 15 phút.

2.3. Thức ăn và cách cho ăn
- Hiện nay thức ăn sử dụng nuôi ếch hoàn toàn là thức ăn công nghiêp loại dành cho cá giống, cá da trơn, cá rô phi: có hàm lượng đạm từ 22 - 40%.

- Thức ăn được rãi đều khắp bể nuôi, tránh cho ăn tập trung một chổ ếch giành thức ăn sẽ cắn nhau.

- Cho ếch ăn nhiều lần trong ngày.

- Ếch ăn mạnh vào lúc chiều tối và đêm nên ban ngày cho ếch ăn ít, tập trung thức ăn vào tối và đêm cho ếch. Định kỳ bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hóa để giúp ếch tăng cường sức khỏe hạn chế dịch bệnh và tiêu hóa tốt thức ăn.

- Ngoài ra cũng cần phải lựa chọn khích cỡ thức ăn và hàm lương đạm cho phù hợp với sự phát triển của ếch.


2.4. Chăm sóc quản lý
- Thường xuyên san thưa và phân cỡ đàn ếch để tránh trường hợp con lớn ăn con nhỏ.

- Hằng ngày theo dõi mọi hoạt động của ếch: Mức ăn, tốc độ lớn, tình hình bệnh để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

- Định kỳ hàng ngày thay nước, vệ sinh bể nuôi.

- Thường xuyên trộn men tiêu hóa + vitamin giúp ếch tăng sức đề kháng và phòng bệnh đường ruột.

- Có thể định kỳ 7 ngày dùng Iodine để tắm ếch với liều lượng 1ml/1m3nước (ngâm qua đêm).

2.5. Thu hoạch và vận chuyển
- Sau khi thả giống nuôi được 2,5 - 3 tháng ếch đạt 150 - 300g/con (ếch Thái) thì có thể tiến hành thu hoạch bán ếch thịt.

- Cho ếch ngừng ăn trước khi thu hoạch 10 - 12 giờ.

- Tháo cạn nước trong bể nuôi rồi dùng vợt xúc hoặc thu bằng tay.

- Dùng hộp xốp có lỗ thông hơi và bèo tây hoặc dùng túi nilông có nước để vận chuyển ếch.

- Vợt xúc, các dụng cụ dùng để chứa đựng ếch phải nhẵn, hạn chế bị sây sát.

IV. Một số bệnh thường gặp
1. Phòng bệnh
- Dịch bệnh xuất hiện trong điều kiện nuôi khi: môi trường nuôi bị nhiễm bẩn, tồn tại tác nhân gây bệnh và ếch nuôi bị suy dinh dưỡng. Thức ăn không đầy đủ ếch thường cắn nhau rất dễ bị bệnh ngoài da, sau đó nhiễm trùng. Khi ếch bị nhiễm bệnh thì việc điều trị hết sức khó khăn, do đó việc thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.

- Chọn giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ.

- Thường xuyên san thưa và phân cỡ: tạo đàn ếch đồng đều về kích cỡ.

- Không nuôi với mật độ quá dày.

- Thức ăn phải đảm bảo đầy đủ chất lượng.

- Định kỳ bổ sung vitamin + men tiêu hóa giúp tăng sức đề kháng của ếch nuôi.

- Thay nước và vệ sinh bể nuôi hàng ngày.

2. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị
Hiện nay trong qua trình nuôi, ếch thường bị hao hụt là do một số nguyên nhân sau:
a) Hiện tượng ăn nhau
- Nguyên nhân: nuôi mật độ cao, thức ăn không đủ, kích cỡ nuôi không đồng đều.

- Cách phòng: mật độ nuôi vừa phải. Thức ăn phải đủ chất lượng, cho ăn đều khắp bể. Thường xuyên lọc và phân cỡ bể nuôi khi ếch nhỏ dưới 50g.

b) Bệnh lở loét đỏ chân
- Triệu chứng bệnh: Ếch giảm ăn, di chuyển chậm, có những nốt đỏ trên thân, chân bị sưng và dấu hiệu rõ nhất là gốc đùi có tụ huyết. Giải phẩu nội tạng, thấy xuất huyết trong ổ bụng.


- Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila phát triển khi môi trường nuôi dơ và khi ếch bị sốc.

- Cách phòng: Thường xuyên thay nước, giữ môi trường nuôi sạch sẽ.

- Cách điều trị: điều trị kịp thời khi bệnh mới phát sẽ có tác dụng tốt. Ngâm ếch trong dung dịch Iodine (PVP Iodine 350: 5 - 10 ml/1m3 nước). Dùng Oxytetracycline (3 - 5g/kg thức ăn).

c) Bệnh về đường tiêu hóa
- Triệu chứng bệnh: Bụng ếch trương phồng lên, ếch nằm yên một chổ. Một số con có hậu môn lồi ra, ruột bị sưng lên. Trong ruột có dịch lỏng có lẫn một ít thức ăn.

- Nguyên nhân, do ếch ăn thức ăn ôi thiu hay cho ếch ăn quá nhiều, ếch không tiêu hóa được, nguồn nước nuôi dơ do ít thay nước.

- Cách phòng: Định kỳ trộn men tiêu hóa vào thức ăn của ếch. Thay nước thường xuyên và giữ nước nuôi sạch.

- Cách điều trị: Giảm lượng thức ăn xuống còn 50%. Làm vệ sinh thật kỹ môi trường nuôi. Trộn vào thức ăn Sulphadimezine và trimethroprim (4 - 5g/kg thức ăn). Sử dụng liên tục 5 ngày.

d) Bệnh mù mắt, cổ quẹo
- Triệu chứng: Mắt bị viêm sưng. Mắt đục và mù cả hai mắt. Biến dạng cột sống và cổ quẹo, ếch thường xuyên quay cuồng và chết. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng có tài liệu cho là do vi khuẩn Pseudomonas sp.

- Cách điều trị: Cách ly những con có triệu chứng bệnh. Ngâm ếch bằng Iodine với liều lượng 3 - 5 ml/m3 nước. Trộn thuốc cho ếch ăn: Enrofloxacin + Colistin. Xử lý và trộn thuốc liên tục trong 5 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét