Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Làm giàu từ nuôi Chim Bồ Câu

Làm giàu từ nuôi Chim Bồ Câu



Dạo quanh nhiều khu chợ lớn ở Quảng Bình như chợ Đồng Hới, Hoàn Lão, Ba Đồn…khách hàng sẽ bắt gặp nhiều người bày bán chim bồ câu non - loại gia cầm mà nhiều người vẫn thích mua về nấu cháo tẩm bổ cho người ốm và trẻ con. Hỏi về nguồn gốc của mặt hàng đặc biệt này, tôi được biết có một nơi hàng ngày xuất bán một lượng lớn bồ câu non, đó là trại nuôi của gia đình vợ chồng bác Phạm Thị Vân, Trương Quốc Khánh ở thôn Đông Hồng, xã Nhân Trạch, Bố Trạch...

1. “Duyên nợ” với chim bồ câu
- Cả hai vợ chồng bác Phạm Thị Vân, Trương Quốc Khánh trước đây nguyên là cán bộ của Xí nghiệp Xi măng Áng Sơn và sinh sống ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Năm 1981, sau khi nghỉ mất sức hai bác đã chuyển cả gia đình về sinh sống ở thôn Đông Hồng, xã Nhân Trạch, Bố Trạch cho đến bây giờ.

- Khi được hỏi về “duyên nợ” đến với nghề nuôi chim bồ câu, bác Trương Quốc Khánh cho biết: Gia đình bác đến với nghề này đã hơn 40 năm nay. Trước đây, khi còn sinh sống ở Áng Sơn, vì đồng lương của hai vợ chồng còn thấp, trong khi con cái lại đông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, tranh thủ sau giờ làm việc, vợ chồng bác đã đóng thêm một vài ô chuồng để nuôi chim bồ câu bán lấy tiền cải thiện kinh tế. Lúc đó tuy chỉ nuôi được vài chục cặp bồ câu bố mẹ, nhưng hàng tháng từ bán chim non, vợ chồng bác cũng đã có thêm những khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.

- Năm 1981, vợ chồng hai bác nghỉ mất sức và chuyển cả gia đình về Nhân Trạch sinh sống. Do đồng lương hưu trí thấp, cả 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, nên cuộc sống của gia đình hai bác tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Để có thêm đồng vào đồng ra cải thiện đời sống, bác Khánh làm thêm nghề chạy xe ôm, còn bác Vân ngày ngày đi mua cá, mắm chở lên các xã miền núi ở Bố Trạch bán kiếm lời. Có thêm một ít vốn liếng để đỡ đần cuộc sống, hai bác lại bàn nhau trở lại với nghề nuôi chim bồ câu như trước kia. Hàng tháng, ngoài các khoản chi phí trang trải cho cuộc sống gia đình, hai bác còn dành dụm tiền mua các loại gỗ tạp về đóng dãy chuồng phía trước nhà để nuôi bồ câu. “Tích tiểu thành đại”, từ chỗ chỉ có vài chục ô chuồng, thả nuôi vài chục cặp chim bố mẹ, đến nay gia đình bác Phạm Thị Vân, Trương Quốc Khánh đã có hai dãy chuồng với khoảng 400 ô, thả nuôi 400 cặp chim bố mẹ, nhiều nhất ở Quảng Bình, trong đó 1 dãy vừa mới được đầu tư xây dựng 50 triệu đồng…

- Không giống như cách thả nuôi nhỏ, lẻ không cần chăm sóc mà nhiều hộ gia đình từng làm, gia đình bác Vân, bác Khánh đã biết tuân thủ và áp dụng rất nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật về thả nuôi giống gia cầm này mà các cuốn tài liệu kỹ thuật đã hướng dẫn. Ngoài việc tiêm phòng các dịch bệnh cho chim ngay từ khi còn bé, gia đình chị còn thực hiện rất khoa học các khâu cho ăn, khử trùng và vệ sinh chuồng trại, nên tỷ lệ chim giống bị hao hụt và chim bị dịch bệnh không xẩy ra và chúng sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Bình quân, mỗi cặp chim bố mẹ sinh từ 7 – 10 con/năm, cả đàn 400 cặp sinh được trên 3.000 con chim non. Với thời giá bình quân trên thị trường trên dưới 50.000 đồng/con, mỗi năm gia đình hai bác đã có nguồn thu khoảng 150 triệu đồng, lãi trên dưới 70 triệu đồng…

- Không chỉ biết phát triển đàn chim bồ câu để mang lại thu nhập, vợ chồng bác Phạm Thị Vân, Trương Quốc Khánh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cũng như kinh nghiệm nuôi loài gia cầm này cho nhiều hộ gia đình trong vùng, với mong muốn cùng nhau đưa nghề mới này ngày càng phát triển và cho thu nhập ổn định.

2. Mở hướng làm giàu
- Có thêm nguồn vốn tích lũy từ bán chim bồ câu, gia đình bác Vân, bác Khánh càng có thêm điều kiện để phát triển thêm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình làm ăn ngày càng hiệu quả và nuôi dạy các con ăn học thành người.

- Với đức tính cần cù, chịu khó, hàng ngày, ngoài chăm sóc đàn chim bồ câu, bác Vân, bác Khánh còn cải tạo đất trong vườn nhà trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, chuối, đào 1 sào ao thả cá nước ngọt, đầu tư chăn nuôi thêm 10 con bò thịt, nuôi vài chục con gà mái giống Ai Cập đẻ trứng và mở thêm cửa hàng tạp hoá, quán cà phê để tăng thu nhập và hướng dẫn các con mình xác định hướng làm ăn. Hàng năm, từ bán hoa quả, trứng gà, bò thịt, từ cửa hàng tạp hoá và quán cà phê, gia đình hai bác có thêm một nguồn thu không nhỏ, hàng chục triệu đồng.

- Hiện nay khi các con đã lớn, hai bác đã giao lại quán cà phê, cửa hàng tạp hoá cho các con quản lý, còn mình thì tập trung vào công việc chăm sóc 2 dãy chuồng bồ câu và vườn cây ăn quả, cây cảnh của gia đình. Nhận thấy nhu cầu thuê xe du lịch của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong vùng ngày càng cao, năm 2010 bác Vân, bác Khánh còn đầu tư 800 triệu đồng mua một chiếc xe du lịch cao cấp để làm dịch vụ.

- Có nguồn thu nhập ổn định từ nghề nuôi chim bồ câu và mô hình kinh tế tổng hợp, hai bác đã xây dựng được một căn nhà khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Cả 5 người con của hai bác đều được học hành đến nơi đến chốn và có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, trong đó người con út đang du học ở nước ngoài…

Làm giàu từ nuôi Chim Bồ Câu, Nguồn: Khuyến nông Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét