Kỹ thuật rút ngắn thời gian nhân giống Lan Hồ Điệp
Kỹ thuật rút ngắn thời gian nhân giống lan hồ điệp by Hội QTU | Ky thuat rut ngan thoi gian nhan giong lan ho diep
- Nghiên cứu tái sinh là mục tiêu hàng đầu của những nhà nuôi cấy mô, giúp gia tăng hệ số nhân giống cây trồng. Tuy nhiên việc này không dễ thành công do mô cấy chịu sự chi phối mạnh mẽ thành phần môi trường và vị trí tác kích trong quá trình cấy. Đối với cây lan Hồ Điệp, thị hiếu luôn cao trong và ngoài nước do hoa có kiểu dáng đẹp, đa dạng về màu sắc, lâu tàn, sang trọng và có giá trị cao trong giới hoa lan. Vì vậy, công tác nhân giống cho hệ số nhân cao luôn cần thiết cho một giống ưng ý. Thực tế, qui trình vi nhân giống lan Hồ Điệp khó hơn nhiều so với các giống lan khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân kích thích những nhà nuôi cấy mô khám phá chu trình phát triển của chúng.
- Cho đến nay, các báo cáo trong và ngoài nước trên loài hoa này sử dụng nguyên liệu cho nghiên cứu tái sinh gồm: đỉnh sinh trưởng, phát hoa (Rotor, 1949; Sagawa, 1961; Arditti và Ernst, 1993; Part và cộng sự 1996; Tanaka, 1987…), lá non (Part và cộng sự 2002; Ishii và cộng sự 1998…), chóp rễ (Ichihashi, 1997; Tanaka và cộng sự 1976; Kobayashi và cộng sự 1991…). Trong đó phát hoa được nghiên cứu nhiều nhất do khi cắt phát hoa không ảnh hưởng đến sức sống của cây mẹ, ngoài ra phần gốc phát hoa còn có các đốt chứa mắt ngủ nên rất thuận tiện cho kích thích tạo chồi.
- Thông thường các phát hoa có từ 3 - 4 hoa nở rất thích hợp cho bước vô mẫu. Giai đoạn này phần gốc phát hoa cứng cáp, các mắt ngủ phình to, khỏe thuận tiện cho việc khử trùng mẫu. Các đoạn phát hoa có chiều dài 50 - 60mm có chứa mắt ngủ được cấy lên môi trường giàu khoáng (Murashige và Skoog, 1962) bổ sung kích thích tố BA từ 0,5 - 2.0 mg l - 1. Sau 30 ngày nuôi cấy, mắt ngủ mọc dài, tạo lá non và phát triển thành chồi, khi chồi có từ 3 - 4 lá sẽ ra rễ. Để có hệ số nhân cao, các lá non từ chồi đang nuôi trong điều kiện in vitro được cắt nhỏ theo kích thước khoảng 10x10mm nuôi cấy tái sinh. Từ 3 - 4 tháng, các tế bào xung quanh mép lá cảm ứng tạo PLBs. Các PLBs phát triển thành chồi và cũng là nguồn mẫu để sản xuất cây con sau này. Một qui trình như vậy phải mất gần 1 năm để tạo cây con hoàn chỉnh.
- Nếu tạo được cụm chồi hoặc PLBs từ mắt ngủ phát hoa sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian, giảm chi phí vật tư và hạ đáng kể giá thành con giống. Điều này đồng nghĩa với việc cải tiến phương pháp nhân giống cũng như sự kết hợp nhiều loại chất điều hòa sinh trưởng thực vật lên sự cảm ứng mẫu cấy.
- Phalaenopsis malibu heart là giống Hồ Điệp làm đối tượng nghiên cứu. Một loạt các nghiệm thức được tiến hành nhằm so sánh sự cảm ứng của mẫu cấy. Trong vòng 50 ngày, các cấu trúc tương tự PLBs được hình thành từ mắt ngủ trên đoạn phát hoa. Sự tái sinh PLBs đòi hỏi phải có Cytokinin và Auxin trong môi trường nuôi cấy: MS bổ sung Kinetin 2,2 mg l - 1, IAA 2.0 mg l - 1. Còn các mẫu cấy tạo cụm chồi hình thành sớm hơn, chỉ sau 40 ngày, khoảng 5chồi/cụm. Thành phần môi trường tối ưu cho thấy BA 3.0 mg l - 1 và NAA 0,5 mg l - 1 được kết hợp với môi trường khoáng MS. Qua thí nghiệm này thu được các PLBs và các chồi đồng nhất khỏe mạnh giúp cho việc tái sinh chồi tạo cây con nhanh chóng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét