Kỹ thuật trồng xoài
Xoài có tên khoa học là Mangifera Indica L, thuộc họ Anacardiacae. Xoài có rất nhiều giống, nhưng có 2 nhóm giống cơ bản là nhóm Ấn Độ (hạt đơn phôi) và nhóm Đông Nam Á (hạt đa phôi). Nhóm đơn phôi thường cho trái quanh năm. Xoài có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau và trồng quanh năm. Xoài là một trong những cây được khuyến cáo mạnh trong việc cải tạo vườn tạp. Một phần có thể do hiệu quả kinh tế rất cao, được mang lại từ loại cây này.
I. Kỹ thuật ghép cải tạo vườn xoài
Trường hợp cây xoài quá cao, sức sinh trưởng kém, bị lai tạp không đúng giống, mật độ quá dầy hoặc giống xoài đó không còn phù hợp với thị trường, bắt buộc phải cải tạo, sử dụng kỹ thuật ghép để trồng có hiệu quả hơn.
1.1 Trường hợp cây quá cao lớn
Tiến hành cưa bớt phân nửa số nhánh chính, sơn đầu cành chống mục, từ vị trí này sẽ mọc lên rất nhiều cành, tỉa bỏ tất cả chỉ chừa lại 2 - 3 cành mập mạnh, tiến hành ghép giống mới vào các cành này. Năm sau sẽ tiến hành cải tạo tiếp số cành cây lớn còn lại. Có thể ghép bằng 2 cách:
a. Ghép cành nêm đọt
- Cắt cành ghép: Chọn cành ghép được 1 năm tuổi, bỏ phần ngọn và các mầm yếu, cắt thành đoạn dài 6 -10cm và giữ lại 2 - 3 mầm, cắt vát (30 – 450) vào trong cành 1 đoạn dài 3 - 5cm tại 2 mặt bên của cành ghép tạo thành hình cái nêm. Độ dày của nêm phải vừa đủ để lách vào vết tách của mặt gốc ghép.
- Cắt cành ghép: Dùng dao thật sắc cắt ngang cành chuẩn bị ghép, tạo thành mặt cắt bằng phẳng, nhẵn. Sau đó chẻ tách mặt cắt theo đường kính đi qua tâm mặt cắt tạo thành miệng ghép.
- Cắm cành ghép: Dùng dao ghép cắm nhẹ vào miệng cành ghép trước khi cắm cành ghép vào. Cắm xong cành ghép thì từ từ rút nêm ra.
- Buộc dây: Dùng dây nylon quấn xung quanh chổ ghép và quấn xung quanh cành ghép.
- Tháo dây: Sau ghép khoảng 3 - 4 tuần, thăm thường xuyên cành ghép, nếu thấy mọc mầm thì tháo dây quấn ra, chỉ chừa dây quấn nơi vết ghép.
b. Ghép mắt
Ghép hình chữ H là chủ yếu, rạch 2 đường song song trên thân, cành của gốc cây ghép, cách nhau 0,5 - 1cm ; dài 2 - 2,5cm; rạch ở giữa tạo hình chữ H.
- Cắt phiến mầm: Phía trên mầm 1cm, cắt vết ngang, rồi từ dưới mầm 1cm, cắt lên phía trên, ở giữa phiến mầm có một ít gỗ.
- Cắm phiến mầm: Tách vỏ miệng ghép chữ H ra 2 phía, cẩn thận và nhanh chóng đặt và đẩy phiến mầm vào giữa vỏ và gỗ gốc ghép. Buộc bằng dây nylon, rộng 1 - 1,2cm; quấn từ dưới lên trên, vòng sau đè lên 1/3 vòng trước cần thiết quấn bịt kín mắt ghép. Sau khi ghép 15 - 17 ngày, kiểm tra nếu mắt ghép sống thì tháo dây nơi có mầm của mắt ghép.
1.2 Trường hợp cây còn tơ từ 3-10 năm tuổi
Chọn các vị trí thích hợp trên các cành thấp xung quanh thân chính từ 1 - 1,5m, ghép giống mới vào các vị trí này. Sau 20 ngày tháo băng (do cách ghép này phải dùng nylon có độ đàn hồi chuyên ghép cây, quấn kín cành ghép để hạn chế bốc thoát hơi nước), để ổn định 1 tuần, cắt bỏ cành mẹ cách vị trí ghép 4 - 5 cm để kích thích cành ghép mọc mạnh. Có thể áp dụng phương pháp ghép cành nêm đọt hoặc ghép mắt.
Lưu ý: Không cắt toàn bộ cành cùng 1 lúc, đặc biệt vào mùa nắng vì cây có thể chết, nên chừa cành quang hợp để nuôi cây. Sau khi các cành mới phát triển được 4 tầng lá thì tiến hành cắt nốt cành còn lại.
II. Chăm sóc, kích thích ra hoa
2.1 Kích thích cho xoài ra đọt và hoa đồng loạt
Sau khi thu hoạch cây xoài khoảng 1 - 1,5 tháng tiến hành bón phân tỉa cành nhanh, gọn nhằm nhằm kích thích ra đọt đồng loạt. Một số vườn có điều kiện, sau thu hoạch có thể áp dụng biện pháp xiết nước, bơm nước ra khỏi mương vườn, hạ mực thủy cấp xuống sâu trong vài tuần. Sau đó cho nước vô mương, kết hợp bón phân tưới nước đẫm cây sẽ ra hoa đồng loạt. Tỷ lệ phân lúc này cần nhiều đạm để cây có thể ra lá tốt có thể bón NPK theo công thức 3 – 1 - 1 hoặc 3 – 2 - 1 tổng lượng phân áp dụng khoảng 1 kg NPK 20 – 20 - 15 + 1 kg urê cho cây 7 - 10 năm tuổi.
Có thể áp dụng : Nitrat kali (KNO3) nồng độ 1-1,5% (100 - 150gr/10 lít nước) đối với một số giống mẫn cảm như xoài Thơm, xoài Bưởi, xoài Cát Chu. Nên sử dụng Dola 02X liều lượng 0,4 - 0,5%(40 - 50gr/10 lít nước) cho các giống khó ra hoa như Cát Hòa Lộc, Cát Nước, Xoài Tượng. Sau 5 - 7 ngày, quan sát thấy mầm hoa ra không đều, tiến hành phun bổ sung ½ liều lượng đã sử dụng để cây ra đọt và hoa đồng loạt hơn. Giai đoạn này có một số đối tượng dịch hại quan trọng như bọ cắt lá, bọ trĩ, sâu đục cành non, bệnh thán thư. Có thể phối hợp cùng lúc các loại thuốc để phòng trừ sâu bệnh: Fenbis, Manzate, Basudin 50ND, Dithane. Trường hợp có rầy bông xoài và bọ trĩ nên pha thêm Butyl + Admire.
2.2 Quy trình phun xịt xoài
Cần lưu ý đặc điểm của cây để xử lý xoài ra hoa đạt kết quả cao:
- Xoài tơ 4 - 10 năm tuổi: Cây cần ra đọt từ 2 - 3 lần, sau đó cây mới có thể ra hoa được.
- Xoài hơn 10 năm tuổi: chỉ cần ra đọt một lần là có thể ra hoa được. Để hỗ trợ cây phân hóa mầm tốt, cây cần được bón phân lân và kali cao hơn bằng cách phun MKP(0 – 52 - 34) ba lần, cách nhau 7 - 10 ngày/lần và bón gốc các loại phân chứa hàm lượng lân và kali cao.
a. Cho ra hoa sớm
Mục đích bán được giá cao nhưng gặp rất nhiều điều bất lợi như mưa bão nhiều, bệnh nhiều, đầu tư và rủi ro cao.
- Đối với cây già (hơn 10 năm tuổi) áp dụng thuốc tưới gốc khi cây ra đọt lần 1 hoặc 2, cây tơ áp dụng thuốc tưới gốc khi cây ra đọt lần 2 hoặc 3.
-Thời điểm tưới thuốc thích hợp nhất là khi cây vừa lú đọt 3-5 cm.
- Thuốc dùng ức chế sinh trưởng để cây chủ động phân hóa mầm hoa là chất Paclobutrazol loại 10% hoặc 15%. Liều lượng sử dụng: 10gr/1m đường kính tán loại 10%, thí dụ cây có đường kính tán 5m thì sử dụng 50gr Paclobutrazol 10% tưới vào gốc.
- Cách tưới
Dùng bàn chải sắt đánh sạch gốc xoài cách mặt đất khoảng 30 cm. Dùng len đào một rãnh nhỏ sâu 10 cm, ngang 5 cm xung quanh gốc cây. Cân và pha toàn bộ lượng thuốc đã tính toán vào 3 - 5 lít nước sạch. Tưới dung dịch thuốc này lên thân cây khoảng 50 cm cho thuốc chảy dài và đọng vào rãnh. Giữ ẩm 3-5 tuần lễ cho cây dễ hấp thu thuốc đã tưới. Sau đó phun MKP(0 – 52 - 34) 40gr/10 lít nước, phun 3 lần, cách nhau 7 - 10 ngày/lần. Sau 3 tháng phun Dola 02X liều lượng 50gr/10 lít nước để thúc cây ra hoa đồng loạt.
b. Ra hoa chính vụ
Ở ĐBSCL xoài thường ra hoa tự nhiên từ tháng 12 – 1 dương lịch và thu hoạch vào trung tuần tháng 4 đến tháng 5 dương lịch. Quan sát trong vườn thấy có một số cây tự nhiên ra hoa. Cần cân đối nguồn lực có thể chia vườn ra 2 - 3 lần xịt kích thích ra hoa Paclobutrazol 10%, cách 1 - 2 tuần để sau này dễ đối phó với thời tiết bất lợi và giảm áp lực do phải tiêu thụ sản phẩm quá nhiều cùng một lúc.
c. Quy trình phun xịt để bảo vệ hoa và trái
- Phun lần 1: Khi sau khi xử lý ra hoa được 2-3 tháng và khi cây có biểu hiện sắp ra hoa, sử dụng 50g Dola 02X + 30g Manzate/10 lít nước. Sau đó 5 - 7 ngày phun bổ sung 30 gr Dola 02X/10 lít nước để cây ra hoa đồng loạt hơn.
- Phun lần 2: Khi phát hoa xoài vừa lú khoảng 3 - 5 cm (lú cựa gà). Giai đoạn này có thể xuất hiện: rầy bông xoài, sâu ăn bông, bệnh thán thư nên sử dụng các loại thuốc phối hợp như sau: Butyl + Polytrin P + Carbenzim + Botrac. Nguyên tố Bo để gia tăng sức sống hạt phấn, hỗ trợ sự đậu trái.
- Phun lần 3: Khi phát hoa đạt kích thước tối đa và có một vài hoa trong cùng vừa nở. Giai đoạn này có thể dùng Admire + Ridomil + SecSaigon để trừ rầy bông xoài, bọ trĩ, sâu đo ăn bông, sâu nhiếu bông, sâu đục lòn bông và bệnh thán thư.
- Phun lần 4: Khi hoa đang nở rộ, giai đoạn này cây rất cần thời tiết nóng ấm, khô ráo và cần nhiều côn trùng thụ phấn như ong mật, ruồi nhà, bướm,...Vì vậy, tạm ngưng sử dụng thuốc trừ sâu giai đoạn này nhằm bảo vệ côn trùng có ích. Gió cũng là tác nhân quan trọng giúp phấn xoài có thể tung đi xa và thụ phấn chéo. Bệnh thán thư là bệnh quan trọng ảnh hưởng lớn sự thành bại của mùa vụ. Sử dụng Score để phòng trị bệnh thán thư.
- Phun lần 5, lần 6 : Cách 4 ngày/lần phun tiếp Score để ngừa bệnh thán thư.
- Phun lần 7: Lúc này xoài đã đậu trái non bằng đầu đũa ăn (hạt đậu) đến đầu ngón tay út, giai đoạn này dễ rụng trái non nếu gặp thời tiết bất lợi. Bọ trĩ là đối tượng gây hại quan trọng, tiếp đến rầy bông xoài và bệnh thán thư, nên sử dụng Admire, Antracol. Tiếp tục phun lần 8 các loại thuốc: Polytrin P, Topsin M, Carbendazim và NAA. Chất NAA hạn chế rụng trái non.
* Lưu ý: Trong thời kỳ ra hoa đang nở rộ nếu trời không mưa thì cứ 4 ngày phun ngừa 1 lần. Nhưng nếu có mưa liên tục sau khi phun cần phải rung cây hoặc phun rửa nước sạch rồi phun lại sau đó, nhưng giảm dần liều lượng để ngăn chặn nấm bệnh và thời gian không được trễ hơn 24 giờ, thuốc phải cần sử dụng luân phiên để tránh hiện tượng kháng thuốc.
- Các lần tiếp theo: Sau đó phun định kỳ 7 - 10 ngày/lần phun thuốc trừ sâu bệnh, bọ trĩ để trái được sáng đẹp đến 40 - 45 ngày tuổi.
Có 2 giải pháp lựa chọn để chăm sóc tiếp đến khi thu hoạch:
- Các cây xoài canh tác theo lối truyền thống, có tán cao hoặc nơi thiếu công lao động thì phun thuốc hóa học định kỳ 7 - 10 ngày/lần phun các loại thuốc phòng trừ rầy bông xoài, bệnh thán thư và bọ trĩ đến ngày thu hoạch.
- Các cây xoài được trồng bằng phương pháp ghép, có tán lùn thì nên sử dụng phương pháp bao trái. Cách bao trái như sau : Thời điểm bao trái vào khoảng 40 - 45 ngày sau khi đậu trái, giai đoạn này trái đã hết rụng sinh lý lần 3, đang ở thời kỳ sinh trưởng tích cực. Nên xử lý trái trước khi bao: tỉa bỏ các trái bị xây xước, da cám, có vết bệnh, trái nhỏ, quăn queo chỉ chừa lại 1 - 2 trái đều đẹp trên 1 bông.
- Đối với các giống xoài có khả năng đậu trái cao, độ lớn trái đồng đều thì có thể để lại 3 - 4 trái như các giống Cát Chu, Xoài Tam An, Pan-củng-xị và tỉa bỏ luôn các gié hoa đã khô héo có thề làm xây xước trái. Phun các loại thuốc bảo vệ thực vật kỹ tước khi bao bằng các loại thuốc như: Ridomil, Polytrin và chất bám dính Toba rồi sau đó bao trái lại.
III. Tưới nước
Nước có vai trò rất quan trọng để tăng năng suất và chất lượng xoài không những ngay trong mùa vụ đó mà còn ảnh hưởng đến vụ năm sau. Trong mùa khô hạn, cây đang mang trái nếu có điều kiện, khi tưới phải đều và đủ nước, mỗi lần tưới không nên cách quá 5 - 7 ngày, nếu không sẽ dễ gây “sốc” cho cây làm rụng trái non hàng loạt.
Kỹ thuật trồng xoài, Nguồn: Trung tâm Khuyến nông An Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét