Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Đặc điểm sinh học Sò Huyết

Đặc điểm sinh học Sò Huyết

1. Đặc điểm phân loại
- Họ: Arcidae

- Bộ: Arcoida

- Lớp phụ: Pteriomorphia

- Lớp: Bivalvia

- Tên tiếng việt: Sò huyết

- Tên tiếng Anh: Blood cockle

2. Đặc điểm hình thái


Vỏ dày chắc, có dạng hình trứng, cá thể lớn có vỏ dài 60 mm, cao 50 mm, rộng 49 mm. Mặt ngoài của vỏ gờ phóng xạ rất phát triển, có khoảng 18-21 gờ. Trên mỗi gờ phóng xạ có nhiều hạt hình chữ nhật, đối với những cá thể già ở xung quanh mép vỏ những hạt này không rõ lắm. Bản lề hình thoi, rộng, màu nâu đen, có nhiều đường đồng tâm hình thoi. Mặt trong của vỏ có màu trắng sứ, mép vọ có nhiều mương sâu tương ứng với đường phóng xạ của mặt ngoài. Mặt khớp thẳng, có nhiều răng nhỏ, vết cơ khép vỏ sau lớn hình tứ giác, vết cơ khép vỏ trước nhỏ hơn hình tam giác (Nguyễn Chính, 1996).

3. Phân bố
- Sò huyết (Anadara) phân bố ở các bãi bùn mềm, ít sóng gió và nước lưu thông. Các bãi sò thường gần các cửa sông có dòng nước ngọt đổ vào, nồng độ muối tương đối thấp. Sò nhỏ sống trên mặt bùn, sò lớn vùi sâu trong bùn khoảng 1 - 3cm. Chúng dùng mép vỏ và màng áo ngoài thải nước làm thành lỡ ở mặt bùn để hô hấp và bắt mồi.

- Sò không vùi sâu nên yêu cầu về chất đáy chỉ cần khoảng 15cm bùn mềm nhưng tốt nhất là nền đáy là bùn pha một ít cát mịn. Sò có thể sống ở vùng triều (littoral) và vùng dưới triều (sublittoral) đến độ sâu vài mét. Nơi thích hợp nhất cho sò là tuyến triều thấp.

- Sò có khả năng thích nghi với phạm vị biến đổi nồng độ muối rộng từ 10 - 35‰ (tỉ trọng 1.007 - 1.017), khoảng thích hợp là từ 15 - 30‰. Khi nồng độ muối giảm thấp dưới 10‰, nhất là trong mùa mưa lũ, sò sẽ vùi sâu xuống bùn. Nếu trong một thời gian ngắn nồng độ muối trở lại thích hợp thì sò chui lên và tiếp tục sống bình thường, nếu tình trạng nồng độ muối thấp kéo dài có thể làm sò chết. Phạm vi thích ứng nhiệt độ của sò cũng rất rộng từ 20-30 độ C.

4. Đặc điểm dinh dưỡng
Thức ăn của sò bao gồm mùn bã hữu cơ, tảo và vi sinh vật trong bùn. Sò bắt mồi thụ động bằng cách tạo dòng nước qua mang để lấy thức ăn. Phương thức bắt mồi của sò cũng giống các lài Bivalvia khác.

5. Đặc điểm Sinh sản
a) Quá trình phát triển phôi
Sau 1-2 năm tuổi sò có thể thành thục sinh dục và tham gia sinh sản lần đầu tiên. Khi thành thục sò đẻ trứng và tinh trùng vào nước, trứng thụ tinh sẽ phát triển qua các giai đoạn ấu trùng bánh xe và diện bàn.


b) Sinh sản nhân tạo
- Nuôi vỗ: bắt sò ngoài tự nhiên đem về nuôi ở tuyến triều thấp, nơi có điều kiện thức ăn phong phú, nước lưu thông. Nên nuôi với mật độ thưa để sò nhanh thành thục. Sau khi sò đã thành thục sinh dục chúng được mang về phòng thí nghiệm để tiến hành sinh sản nhân tạo.

- Kích thích sinh sản: ở ngoài tự nhiên cần có điều kiện sinh thái nhất định sò mới đẻ trứng và phóng tinh, những điều kiện đó là tối cần thiết. Nhưng trong sinh sản nhân tạo những điều kiện sinh thái đó cũng được sử dụng hoặc thay thế bằng những kích thích nhân tạo. Hiện nay sinh sản nhân tạo áp dụng phương pháp kích thích sinh sản bằng hóa kết hợp với kích thích sinh thái. Hiện nay có một số phương pháp kích thích sinh sản như sau:
+ Kích thích bằng (NH4OH): tiêm 0,2 - 0,5 ml nước biển có chứa 2‰ Ammoniac vào xoang màng áo của sò sau đó cho vào nước biển đã lọc sạch, 20 phút sau sò sẽ đẻ.
+ Kích thích bằng nước ammoniac kết hợp hạ thấp nhiệt độ: sau khi tiêm nước ammoniac cho sò vào nước có nhiệt độ 11 - 13 độ C trong 90 phút, sau đó vớt sò ra và cho vào nước biển ở nhiệt độ bình thường 28 độ C, sò sẽ đẻ sau 10 phút.
+ Ngâm trong nước ammoniac kết hợp với hạ nhiệt độ: ngâm sò vào dung dịch ammoniac 1‰ sau 3 giờ vớt sò ra để khô khoảng 90 phút, sau đó thả sò vào nước biển có nhiệt độ 11 - 13 độ C trong 90 phút, cuối cùng cho vào nước biển có nhiệt độ bình thường, sò sẽ đẻ sau 20 phút.
+ Hạ nhiệt độ kết hợp nước chảy: Đem sò bố mẹ vào tủ lạnh ở 10 độ C trong 2 giờ sau đó chuyển sò sang nước biển ở nhiệt độ bình thường. Kích thích nhiệt ở 7 - 12 độ C kết hợp với nước chảy cũng cho kết quả tốt.
+ Trong các phương pháp trên, phương pháp kết hợp hạ nhiệt độ với nước chảy cho kết quả tốt nhất, sò không bị độc, tỉ lệ sinh sản cao và thao tác lại đơn giản thích hợp cho sản xuất đại trà.
+ Thụ tinh nhân tạo: nếu kích thích đực và cái riêng biệt thì sau khi sò sinh sản chúng ta phải tiến hành thụ tinh nhân tạo. Trứng sò sau khi đẻ được lọc qua lưới phiêu sinh rồi cho vào thau, chậu, sau đó cho tinh dịch vào (tinh dịch có thể lấy bằng các kích thích sinh sản hay giải phẫu). Khuấy đều độ nữa giờ sau đó rửa vài lần, ấu trùng phù du sẽ xuất hiện sau vài giờ. * Nên duy trì nhiệt độ lúc thụ tinh là 28 độ C.

- Ương nuôi ấu trùng: ương ấu trùng trong hệ thống nước chảy và cho ăn bằng tảo hay nấm men với mật độ 2.500 – 3.500 tb/ml. Khi ấu trùng đạt giai đoạn bám cần cung cấp vật bám cho sò. Vật bám tốt nhất là cát, sỏi hay vụn của vỏ động vật thân mềm. Cũng có thể ương ấu trùng trong ao đất có diện tích khoảng 1.000m2 có cống khống chế nước ra vào. Mức nước ương tứ 0,5 - 0,8m, sâu nhất là 1m. Trước khi ương nên tẩy dọn ao, bừa đáy, gây nuôi thức ăn. Mật độ ương khoảng 1.250 ấu trùng/lít.

- Giá trị kinh tế: Có giá trị kinh tế cao.

Đặc điểm sinh học sò huyết, Nguồn: T.s Trương Quốc Phú – Khoa Thủy sản - ĐH Cần Thơ.

1 nhận xét:

xào me đi
Hoàng Nguyên Green

Đăng nhận xét