Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Mô hình cánh đồng mẫu 50 ha

Mô hình cánh đồng mẫu 50 ha


Một ngày cuối tháng 8-2011, đến tham quan mô hình cánh đồng mẫu 50 ha của 78 hộ dân ở ấp Tân Điểm, xã Tân Xuân (Ba Tri), đúng thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Hè thu năm 2011. Người cắt lúa, người gom lúa bó, người gánh lúa, âm thanh máy tuốt lúa,… tạo không khí lao động nhộn nhịp. Họ lao động người đẫm mồ hôi, thỉnh thoảng nở nụ cười tươi, bởi vụ lúa bội thu. Bên cạnh tín hiệu lạc quan, nông dân trồng lúa vẫn phải đối mặt không ít thách thức.


1. Thay đổi tập quán sản xuất
- Hai anh em ông Lê Quang Hùng và Lê Quang Minh phấn khởi: Hơn 8 năm gieo sạ giống lúa OC10 nhưng lần đầu tiên lúa thu hoạch vừa đạt năng suất cao vừa bán được giá. Ông Lê Quang Hùng có 5 công đất vừa thu hoạch, năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Lúa cắt phơi ngoài đồng, máy tuốt xong về phơi một nắng, thương lái đến tận nhà thu mua giá 6.800 đồng/kg nhưng chưa bán. Ông Lê Quang Nhơn, đất liền ranh, niềm vui tăng gấp bội: Tôi sạ 1 ha đất, mới thu hoạch phân nửa diện tích, năng suất đạt trên 5,5 tấn, trong khi đó vụ Hè thu của năm 2010 năng suất chỉ đạt từ 4-4,5 tấn/ha, giá bán 5.500 đồng/kg. Niềm vui không chỉ đến với ông Hùng, ông Minh, ông Nhơn mà cả 78 hộ dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu 50 ha ở ấp Tân Điểm.

- Cái được hơn là mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân nơi đây. Thành công này có sự đóng góp không kém phần quan trọng của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang. Vụ lúa Đông xuân năm 2007-2008, Công ty triển khai mô hình cùng nhà nông ra đồng ở xã Tân Xuân diện tích chỉ 25 ha. Vụ Hè thu năm 2008, mô hình tiếp tục được giữ lại và sau đó chuyển sang các xã Mỹ Thạnh, An Hiệp, An Ngãi Tây. Theo ông Tống Văn Xuyên - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Ba Tri, đầu năm 2011 Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đồng ý phối hợp cùng huyện triển khai thực hiện cánh đồng mẫu 50 ha ở xã Tân Xuân. Ông Xuyên lý giải: Huyện chọn nơi đây triển khai mô hình do nhiều hộ dân đã có máy sạ hàng. Ngay khi triển khai mô hình, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo với sự tham gia của nhiều phòng ban, đoàn thể, trong đó UBND huyện trực tiếp làm trưởng ban, thường xuyên tổ chức thăm đồng và phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật theo giá gốc và đến thu hoạch lúa mới nhận tiền.

- Nông dân Bùi Tấn Phước cho biết: ông đã hoàn toàn tin tưởng vào sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tất cả những phần việc nông dân cho là khó đều được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ. Nông dân tích lũy được số tiền 650.000 hoặc 780.000 đồng, cán bộ kỹ thuật mua máy sạ hàng loại 6 ống và 8 ống đem về đến tận nhà mà không đòi hỏi khoản chi phí thù lao nào. 78 hộ dân nơi đây từ sạ tay cần 20 kg giống/công chuyển sang sạ hàng chỉ còn từ 8-12 kg giống/công. Lúa sạ hàng thưa, cây phát triển tốt, trổ bông dài, hạt chắc, chín màu vàng sáng rực rỡ. Nông dân tuân thủ lịch thời vụ, chỉ trong khoảng thời gian 5 ngày toàn bộ diện tích lúa đã đồng loạt được gieo sạ. Phân bón đúng quy trình theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đặc biệt là khi cây lúa chuyển sang giai đoạn làm đồng bón đủ 50 kg/ha phân kali để không bị đỗ ngã. Tập quán phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh được thay đổi, chỉ phun khi có dịch hại xuất hiện và đảm bảo đúng thuốc, đúng cách, đúng liều, đúng lúc. Huyện Ba Tri cũng đã đầu tư kinh phí xây dựng 5 hố trên phần diện tích 50 ha để nông dân thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào tiêu hủy. Vụ lúa thu hoạch xong, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân phun thuốc hủy rơm rạ, tăng cường bón vôi, phân lân để hạn chế ngộ độc hữu cơ, phèn ở vụ gieo sạ tiếp theo. Ông Trần Vũ Thanh – Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Công ty đã cử 3 cán bộ kỹ thuật, mỗi ngày đều ra thăm đồng cùng nông dân, khi phát hiện dịch hại kịp thời hướng dẫn cách phòng trừ; Bên cạnh đó, công ty còn có điểm tư vấn kỹ thuật tại ấp 3, xã An Bình Tây, mỗi tuần có trên 4 nông dân trực tiếp đến hoặc điện thoại nhờ tư vấn kỹ thuật liên quan đến cây lúa và hoa màu. Mỗi khi tư vấn, cán bộ kỹ thuật đều lưu lại địa chỉ của nông dân để hỏi xem kỹ thuật tư vấn đạt hiệu quả như thế nào.

- Theo ông Chế Thanh Sơn – Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, trong suốt vụ lúa đồng hành cùng nông dân, Công ty vừa hoàn thành báo cáo so sánh hiệu quả giữa mô hình cánh đồng mẫu 50 ha và những hộ không tham gia mô hình. Theo đó, chi phí giống gieo sạ giảm 204.000 đồng/ha (ngay thời điểm xuống giống giá lúa 6.000 đồng/kg), phân bón giảm 1,2 triệu đồng/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 872.000 đồng/ha, năng suất lúa đạt trung bình 5,4 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 19,578 triệu đồng/ha (ngoài mô hình 15,941 triệu đồng/ha).

2. Vẫn còn nhiều thách thức
- Mô hình cánh đồng mẫu 50 ha của 78 hộ dân ở ấp Tân Điểm, xã Tân Xuân đã khẳng định hiệu quả, tăng thu nhập và góp phần cải thiện cuộc sống cho nông dân và cũng là điều kiện thuận lợi để nhận rộng ra cả địa bàn huyện Ba Tri – vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Tuy nhiên, hộ dân làm lúa ở Tân Xuân nói riêng và Ba Tri nói chung vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Trong sản xuất lúa còn một số công đoạn sử dụng thủ công, cụ thể: do tận dụng rơm để nuôi bò, lúa thu hoạch cắt thủ công, trong khi đó lúa gieo sạ đồng loạt để né rầy và đến thu hoạch rộ trong vài ngày, lao động ở nông thôn ngày một khang hiếm. Hiện lao động cắt lúa giá 120.000 đồng/công, lao động thuê bó lúa, gánh lúa 130.000 đồng/ngày bao cơm 3 bữa nhưng không phải thuê lúc nào cũng có. Nhiều hộ dân, sân nhà chật hẹp, lúa thu hoạch phải phơi dọc theo trục lộ, ngay cả phơi rơm cũng thế, gây cản trở phương tiện lưu thông và thất thoát lúa. Đáng lưu ý, lúa thu hoạch trúng thời điểm mưa dầm, không có máy sấy, phẩm chất hạt gạo giảm. Theo các hộ dân trồng lúa ở Ba Tri đã nhiều lần gieo sạ giống lúa mới nhưng năng suất không cao so với giống lúa OC10 của địa phương. Giống lúa OC 10 có ưu điểm, ít nhiễm sâu bệnh, không đỗ ngã, năng suất cao. Trong điều kiện chưa tìm được giống lúa vượt trội hơn, hộ dân trồng lúa rất cần ngành hữu quan phục tráng OC10 thành giống lúa nguyên chủng hoặc giống lúa xác nhận để nâng cao năng suất. Hiện Công ty lương thực tỉnh đến thu mua lúa của nông dân, độ ẩm từ 17-17,5 0C giá cao hơn thương lái từ 100–160 đồng/kg nhưng phải vận chuyển đến kho ở Mỹ Chánh nên vẫn chưa tạo sự hấp dẫn đối với nông dân. Vấn đề đặt ra, khi giá lúa thấp, nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

- Những thách thức này, ngoài nổ lực của từng hộ dân, còn cần sự hỗ trợ của ngành hữu quan, nhất là tiếp tục đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, hướng dẫn nông dân ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Có thế, nông dân trồng lúa mới thật sự an tâm gắn bó và làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Mô hình cánh đồng mẫu 50 ha, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét