Kỹ thuật hạn chế Dừa treo
Dừa treo là tên thường gọi của dân trồng dừa cho những tháng có năng suất giảm trong năm, hay còn gọi là mùa nghịch. Là hiện tượng “tự nhiên” đối với cây dừa từ xưa đến nay. Trái với mùa nghịch là dừa mùa.
- Từ xưa, đối với Bến Tre, cây dừa là một loại cây dễ trồng nhất. Cứ để trong mát lên mộng (mầm), đem ra vườn mà trồng, rồi đi làm chuyện khác chờ đến ngày thu hoạch. Thậm chí có vùng dừa Ba Châu (Châu Bình, Châu Hòa, Châu Thới thuộc huyện Giồng Trôm), đất rộng, người thưa, dân trồng dừa có chừng năm - bảy mẫu (hecta) là chuyện bình thường, có người hàng trăm mẫu. Đến kỳ thu hoạch là cho người đến dùng cu-lim (còn gọi là sào giật dừa), có những cây cao phải trèo lên, rồi cứ vậy mà tuông xuống, người đi sau ở dưới gốc lấy chân đá xuống mương hai bên, chờ nước rồng chảy ra, chặn lại phía ngoài cùng, dùng sà no chỉa từng trái vớt lên đem bán.
- Cứ ngày này qua tháng nọ, những trái dừa mắc kẹt trên cạn không trôi ra được, lâu ngày nẩy mầm rồi mộc lên thành cây, không ngay hàng thẳng lối, nên người ta gọi rừng dừa là vậy.
- Chuyện tưới nước, bón phân là xa lạ với cây dừa ở tỉnh này, vài ba năm lấy bùn nhảo dưới mương đem lên tráng một lớp trên mặt vườn là được, nên mùa mưa đậu trái nhiều, còn những tháng nắng trái ít. Dừa có hai mùa là vậy.
- Lúc cho thu hoạch nhiều là mùa thuận hay gọi là dừa mùa, khi trái ít là mùa nghịch còn gọi là dừa treo.
- Ở nước ta, thời gian dừa treo trong năm không giống nhau. Có vùng 5 – 7 tháng, có vùng 3 - 4 tháng. Ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến là hai đến ba tháng, riêng các tỉnh ven biển miền Trung, thời gian dừa cho trái rất ngắn, trong những tháng dừa treo ở vùng này dừa gần như ít trái, thậm chí có cây không còn trái.
- Dừa Bến Tre cho trái quanh năm. Về huyện Mỏ Cày Nam, dừa là cây chủ lực, với diện tích trên 12.000 ha, chiếm gần 70% diện tích đất nông nghiệp của huyện, sản lượng hàng năm trên 90 triệu trái. Vậy mà người dân nơi đây vẫn chưa hài lòng, còn tìm cách tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong vườn dừa, bằng cách trồng xen ca cao, dưới mương nuôi tôm càng xanh, trên bờ nuôi heo, gà thả vườn, hàng năm đem lại thu nhập cả trăm triệu đồng/ha.
- Khai thác nhiều nên đất ngày một cạn kiệt, thời tiết như nắng hạn, nước mặn xâm nhập, sâu bệnh,… làm cho cây dừa càng bị mất sức, cùng với nhận thức và trình độ trồng dừa chưa thích hợp, nên hiện tượng dừa treo luôn là mối quan tâm của người trồng dừa trong huyện. Theo kỹ sư Nguyễn Chánh Bình, làm việc tại trạm khuyến nông khuyến ngư của huyện Mỏ Cày Nam, yếu tố làm ảnh hưởng đến giảm năng suất dừa hàng năm trong huyện, mà nông dân trồng dừa gọi là dừa treo là mật độ trồng quá dày (chỉ có 5 đến 6 m/cây); giống cũng không được chọn lọc kỹ; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa đồng bộ; bọ dừa tấn công trên diện rộng hàng năm; nước mặn, nắng nóng kéo dài; nông dân ít quan tâm đến việc bón phân, tưới nước, nếu có thì không đúng kỹ thuật. Trong khi đó lượng phù sa ngày càng ít đi làm cho đất mất dần độ màu mỡ, mà đòi hỏi của cây dừa ngày một tăng, nên hiện tượng trổ bông mà không đậu trái, rụng trái vào mùa nắng nóng hoặc mưa quá nhiều là không tránh khỏi. Cũng theo kỹ sư Bình, thời điểm dừa treo ở huyện thường vào các tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, một số vùng thiếu nước tưới nhu ở xã Minh Đức thì mùa treo của dừa diễn ra sớm hơn, thường là vào tháng 3 và tháng 4. Giải pháp mà nông dân huyện này thực hiện đạt kết quả, đó là hàng năm bồi bùn vào cuối mùa mưa, bón phân vô cơ. Ngoài ra còn bón phân chuồng ủ hoai, có người còn sử dụng nước xả của hầm biogas tưới lên mặt liếp dừa vào đầu mùa nắng, kết hợp với NPK cũng đem lại hiệu quả cao.
- Đến vườn của các bậc “lão nông” lại càng phong phú vì có những nét riêng. Vườn của ông Nguyễn Văn Lẹ ở xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam) xanh tốt lạ thường. Ông có 7 công (7.000 m2) trồng dừa, ông xen 140 cây ca cao. Cứ 15 ngày, ông bơm nước xả từ hầm biogas lên tưới vườn dừa một lần, hàng năm ông không cần phân đạm và lân, chỉ bón 140 kg Kali. Sau một năm làm, ông ngồi nhẫm lại cho đến nay, trung bình mỗi tháng ông thu về trên 900 trái, mùa nghịch được hơn 800 trái, độ chênh lệch giữa hai mùa chưa đến 20%. So với trước khi sử dụng chế độ chăm sóc này, năng suất tăng lên trên 30%. Vườn dừa của các ông Huỳnh Văn Ngưng, Lê Văn Châu, Lê Văn Hùng ở xã Thành Thới A (Mỏ Cày Nam) cũng sử dụng nước xả hầm biogas tưới vườn, nhưng khác hơn ông Lẹ ở chỗ là xẻ rảnh giữa bờ cho nước chảy thấm trong đất, sau một năm thực hiện, sản lượng tăng và chênh lệch năng suất giữa hai mùa giảm rõ rệt, đặc biệt ông còn cho biết “mùa nghịch lại rút ngắn được thời gian, thay vì 3 tháng nay chỉ còn 2 tháng”.
- Việc sử dụng nước thải từ hầm biogas lan sang các lão nông trồng dừa ở huyện Giồng Trôm, nhưng được cải biến thêm. Đến vườn của ông Hồ Văn Thới ở xã Phong Mỹ, trên 4.000 m2 đất của ông không còn chỗ nào trống, tất cả đều hái ra tiền. Bên cạnh trồng dừa ông xen ca cao, nuôi heo. Cái khác của ông là ở chỗ, cũng bồi bùn, cũng tưới nước xả từ hầm biogas, còn việc bón phân vô cơ ông chia ra hàng tháng, ông nói “mỗi tháng dừa ra bông một lần thì cớ sao lại chỉ bón phân ba - bốn lần trong năm?. Vậy là tôi làm, chia phân ra rải hàng tháng, so với năm trước giảm được 10% lượng phân, nhưng sản lượng cũng tăng đều như vậy, mà thời gian dừa treo gần như không còn”. Ông nói tiếp: “Dừa và ca cao mà tưới nước xả hầm bioga luôn xanh tốt mà lại ít bệnh. Mùa nước mặn tôi vẫn tưới, có lẽ giữ độ ẩm thường xuyên, đất vườn có chất hữu cơ, nên nước mặn cũng ít ảnh hưởng đến cây dừa”.
- Vùng nước lợ làm được thì vùng nước ngọt, thậm chí vùng nước mặn cũng làm được, như vườn của ông Nguyễn Thành Long ở xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú có 8.000 m2đất trồng dừa, trong đó có 6.000 m2 đất cây cho trái. Quan niệm lúc đầu của ông là trồng dừa cho khỏe, có trái bán và có củi làm chất đốt, nên việc chăm sóc ít được quan tâm, trong năm thường chỉ bón phân từ một đến hai lần, nên dừa trái nhỏ và treo thường xuyên. Lúc khô hạn rụng bông, khi mưa dầm thì rụng trái. Vài năm nay dừa có giá, ông quay lại chăm sóc cây dừa, từ học hỏi trong một lần đi đám giỗ nhà bà con ở Mỏ Cày Nam, ông về làm sau hai năm, dừa ông lại cho trái. Tôi hỏi, ông nói hiện tượng dừa của ông rụng trái giảm được trên 70%, còn thu nhập trên 6 công đất, tháng rồi được 7 triệu đồng, còn chi phí chưa tới 2 triệu trong năm”. Tất nhiên, ông có quên nhớ trong việc tính toán này, nhưng hạn chót, với giá dừa như một năm nay, ông có lời từ 6 công đất trồng dừa không dưới 50 triệu đồng.
- Thị trường dừa Bến Tre nói riêng, cả nước nói chung đang xô đẩy trái dừa chạy lòng vòng, trong khi nhà máy lại khang hiếm nguyên liệu, đôi lúc phải nằm chờ thấy mà thương. Diện tích dừa Bến Tre hiện có trên 46.000 ha và cũng đang đối mặt với hiện tượng dừa treo. Một phép tính đơn giản, nếu nhân được các điển hình này ra diện rộng, thì sản lượng dừa của Bến Tre chắc chắn sẽ tăng lên hàng tháng, ít nhất cũng không dưới 10% sản lượng. Tăng được 10% sản lượng, nghe như nhỏ, nhưng nếu có được sẽ nuôi sống một cách đàng hoàng cho một nhà máy chế biến hiện có tại Bến Tre. Đi kèm với việc thâm canh tăng thu nhập trên một diện tích cây trồng, cùng với cải tạo dần giống dừa mới có năng suất và chất lượng cao hơn, thì không chỉ dân trồng dừa, mà nền công nghiệp chế biến từ dừa ở Bến Tre sẽ bớt đi cái khổ. Từ Bến Tre, nhìn về cây dừa cả nước sẽ là một bức tranh sáng không xa và không lâu. Bến Tre đã có dự án mở rộng diện tích vườn dừa và nâng cao chất lượng cây dừa, nghĩa là tầm đã có, vấn đề hiện nay chỉ còn là ở chỗ tận tâm và tận lực.
Kỹ thuật hạn chế dừa treo, Nguồn: Sở Nông nghiệp Bến Tre.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét