Tin về triển lãm Hội Chợ đồng bằng sông Cửu Long
Tin về triển lãm Hội Chợ đồng bằng sông Cửu Long by Triển Lãm MK | Tin ve trien lam hoi cho dong bang song cuu long
Triển lãm hội chợ nhằm khẳng định những thành tựu đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 – 2010.
1. Về mục đích, ý nghĩa của Triển lãm hội chợ
Triển lãm hội chợ nhằm khẳng định những thành tựu đạt được qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 – 2010. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn và quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nhằm huy động các nguồn lực giải quyết an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình.
2. Bộ máy thực hiện triển lãm hội chợ
Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã thành lập bộ máy Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc cho Triển lãm - Hội chợ. Phân công đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Trưởng Ban Chỉ đạo và đồng chí Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm Trưởng Ban Tổ chức. Thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức gồm lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng; Công an; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bí thư, Chủ tịch các tỉnh/thành Tây Nam Bộ là thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; lãnh đạo UBND các tỉnh/thành Tây Nam Bộ và TP. HCM; Bộ Tư lệnh Quân Khu 9, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Các Tiểu ban giúp việc cho lễ hội
Ban Tổ chức đã thành lập 08 tiểu ban giúp việc gồm: Tiểu ban Lễ tân, Hậu cần; Tiểu ban Bảo đảm Cơ sở vật chất; Tiểu ban Bảo vệ; Tiểu ban Tuyên truyền; Tiểu ban Hội chợ, Triển lãm; Tiểu ban Lễ hội; Tiểu ban Tổ chức Hội thảo, Xúc tiến đầu tư và Tiểu ban tổ chức Diễu binh, Diễu hành.
4. Công tác vận động tài trợ, hỗ trợ
Đến nay, đã có 17 đơn vị đồng ý tài trợ kinh phí tổ chức, trong đó Tổng công ty Lương thực miền Nam là đơn vị tài trợ chính, còn lại 11 ngân hàng và 06 doanh nghiệp tham gia hỗ trợ.
5. Thực hiện huy động quỹ an sinh xã hội cho vùng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các địa phương, kinh phí thực hiện công tác AXSH tại vùng ĐBSCL trong 10 năm (2001 – 2010) là 28.860 tỷ đồng; thực hiện trong năm 2011 được 7.896 tỷ đồng và kế hoạch nhu cầu huy động năm 2012 là 7.275 tỷ đồng. Riêng ngành ngân hàng, trong 10 năm qua đã đóng góp cho Vùng trên 579 tỷ đồng; năm 2012 đăng ký thực hiện trên 164 tỷ đồng.
6. Các công tác khác
- Về đảm bảo cơ sở vật chất, hậu cần phục vụ cho lễ hội: Tập trung xây dựng cổng chào, hạng mục công trình san lấp mặt bằng khu vực vào hội chợ, các khu triển lãm, nơi dựng khán đài, sân khấu nước và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Tiến độ cơ bản được đảm bảo, dự kiến đến 20/3/2012 bàn giao hoàn chỉnh hạ tầng (mặt bằng, điện, nước…) cho Ban Tổ chức.
- Về công tác truyền thông của lễ hội: Theo kế hoạch, Ban Tổ chức đã họp báo tại Hà Nội (ngày 04/11/2011), TP. HCM (ngày 12/12/2011) và TP. Cần Thơ (ngày 08/3/2012) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Từ tháng 01/2012, BTC đã phối hợp với các địa phương thực hiện việc tuyên truyền bằng pano, băng rol, phướn, màn hình led… tại TP. Cần Thơ (đã thực hiện trước Tết Nguyên Đán), tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ và thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM (giữa tháng 3/2012). Về công tác thông tin trên báo-đài, đã hợp đồng phối hợp với các đài truyền hình như: Trung tâm truyền hình VN tại Cần Thơ, Đài PTTH Cần Thơ, Đài PTTH Hậu Giang, Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan thường trú tại ĐBSCL), Cổng thông tin điện tử Chính phủ; các Báo: Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động, Cần Thơ, Diễn đàn Doanh nghiệp, Đầu tư, Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, Nông nghiệp, Doanh nhân, Tạp chí Đầu tư nước ngoài, Tập chí Công nghiệp thực hiện các chuyên mục tuyên truyền cụ thể hướng đến Triển lãm hội chợ (một số đài như Trung tâm Truyền hình VN tại Cần Thơ, Đài PTTH Hậu Giang đã xây dựng chuyên mục phát sóng hàng tuần giới thiệu về những thành tựu của vùng, sản xuất phim tư liệu về thành tựu Tây Nam Bộ, thông tin về công tác chuẩn bị và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Triển lãm Hội chợ…). Ngoài ra, đài Truyền hình Việt Nam cũng đã đồng ý truyền hình trực tiếp lễ khai mạc và bế mạc trên sóng VTV. Về truyền thông trên mạng Internet, BTC đã xây dựng Website Triển lãm - Hội chợ tại 02 tên miền:www.mekongfair.com và www.trienlammekong.vn (đang cập nhật chạy thử nghiệm, đưa lên Internet vào ngày 08/3/2012).
- Về việc mời gọi tham gia của các đơn vị: Đến nay, đã có trên 250 đơn vị đăng ký tham gia Triển lãm Hội chợ, với số lượng trên 700 gian hàng. Công tác thi công gian hàng, trang trí tổng thể khu vực diễn ra triển lãm - hội chợ… đang được khẩn trương chuẩn bị, nhằm phục vụ tốt yêu cầu của các đơn vị tham gia. Ngoài các hoạt động triển lãm - hội chợ, các chương trình, hoạt động diễn ra bên lề như: Hội thi Trò chơi dân gian và vận động; Hội thi Nhiếp ảnh nghệ thuật về thành tựu 10 năm Tây Nam Bộ; Hội thi nấu ăn Món ngon Nam Bộ; Hội thi tiếng hát hay những ca khúc cách mạng truyền thống… đang được các tiểu ban xây dựng thể lệ, quy chế tổ chức và mời các đơn vị, cá nhân tham gia.
- Về hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư: Các Bộ, ngành và cơ quan xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức 04 cuộc hội thảo diễn ra tại Triển lãm Hội chợ gồm: (1) Hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Ngân hàng Nhà nước VN chủ trì); (2) Hội thảo về liên kết phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL (do Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Ngân hàng Nhà nước VN chủ trì); (3) Hội thảo Phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng vùng ĐBSCL (do Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ KH&ĐT chủ trì); (4) Hội thảo tham vấn định hướng phát triển ĐBSCL đến năm 2100 (do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Viện Tư vấn Phát triển CODE chủ trì). Về công tác xúc tiến đầu tư phát triển của vùng, tiểu ban đang tập hợp những danh mục dự án kêu gọi đầu tư của từng địa phương và các dự án chuẩn bị cấp phép, để tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại lễ bế mạc.
- Về các công tác chỉ đạo diễu binh, diễu hành: Các kế hoạch, kịch bản, chương trình diễu binh, diễu hành đã được xây dựng gửi đến các đơn vị và địa phương tham gia. Theo kế hoạch, sẽ có 03 khối tham gia gồm: trên bộ (14 khối, với 870 người và 19 khối xe hoa, với 57 chiếc), trên không (05 trực thăng vũ trang) và trên sông (09 khối tàu biên phòng, ca nô và tàu đánh cá, với 37 chiếc). Công tác chuẩn bị đang được Tiểu ban phối hợp khẩn trương với các Bộ, ngành TW và địa phương, tổ chức cử người và phương tiện tập dợt, lên kịch bản thuyết minh trong lễ diễu binh - diễu hành; chuẩn bị việc trang trí xe hoa, tàu đánh cá và tập trung tuyên truyền, chuẩn bị tham gia lễ hội quan trọng này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét