Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Kỹ thuật nuôi trồng nấm Bào Ngư Nhật

Kỹ thuật nuôi trồng nấm Bào Ngư Nhật


Kỹ thuật nuôi trồng nấm bào ngư Nhật by HN | Ky thuat trong nam bao ngu nhat

1. Tổng quan
- Nấm bào ngư Nhật hay còn gọi là nấm bào ngư chân dày (cùi dày), nấm đùi gà, là một loại nấm ăn có mùi thơm của quả hạnh, vị ngọt và giòn của bào ngư, đặc biệt khi chế biến món ăn từ nấm bào ngư Nhật cùng với thịt hoặc thủy hải sản thì càng tuyệt vời hơn. Dinh dưỡng nấm bào ngư Nhật rất cao không kém hơn dinh dưỡng các sản phẩm từ động vật. Kết quả phân tích cho thấy nấm bào ngư Nhật hàm lượng protein chiếm khoảng 25%, đặc biệt có chứa hơn 18 loại axit amin, ngoài ra còn có carbohy drate, nhiều vitamin và các khoáng chất khác. Sử dụng nấm không những không tăng cân mà còn ngăn ngừa một số bệnh như: giảm cholesterol trong máu, tiểu đường, béo phì, đau bao tử, rối loạn gan, ung thư,... đồng thời người ăn nấm thường xuyên sẽ giúp cơ thể tăng tính miễn dịch, điều hòa huyết áp, dễ tiêu hóa và chống lão hóa.

- Nấm bào ngư Nhật có thể bảo quản ở nhiệt độ 10 – 12 độ C kéo dài 3 - 5 ngày mà chất lượng thay đổi không đáng kể.

2. Đặc tính sinh học
- Đặc điểm hình thái: Quả thể khá to, đường kính trung bình từ 2-4cm trơn bóng, màu từ xám đến trắng xám. Thịt nấm màu trắng, dày. Cuống mọc xiên, màu trắng hay gần trắng, dài từ 2 - 6 cm.


- Điều kiện sống: Nấm bào ngư Nhật thích hợp phát triển ở một biên độ nhiệt độ khá rộng: khi ra quả thể ở 25 – 30 độ C, thích hợp ẩm độ cao và ưa thoáng. Độ ẩm cơ chất từ 65 - 68%, độ ẩm không khí lúc nuôi sợi 65 - 70%, độ ẩm không khí lúc ra quả thể là 85 - 95%.

- pH: Môi trường nuôi trồng thích hợp cho nấm bào ngư Nhật từ 5 - 7, giai đoạn ươm tơ môi trường axit yếu nhưng khi ra quả thể pH từ 6 - 6,5.

- Ánh sáng: Giai đoạn ra quả thể cần ánh sáng khuếch tán hơn khi nuôi sợi.

- Nguyên liệu và thời vụ nuôi trồng
+ Hầu hết tất cả các loại nguyên liệu chậm phân hủy: gồm mạt cưa, xơ dừa, bã mía… đều sử dụng được để trồng nấm. Tuy nhiên, cũng cần phải lựa chọn nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có và đặc biệt sẵn có dinh dưỡng có lợi cho nấm (như mùn cưa, bã mía).
+ Nấm bào ngư Nhật có biên độ rất rộng về nhiệt độ và ẩm độ vì vậy đối với thời tiết ở miền Nam nước ta sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai mùa không cao nên đều trồng được, nhưng thời vụ thích hợp nhất là vào mùa mưa, vì lúc này độ ẩm không khí tương đối cao sẽ tiết kiệm được công tưới.

3. Xử lý nguyên liệu, phối trộn nguyên liệu, đóng túi, khử trùng
- Chuẩn bị nguyên liệu
+ Nguyên liệu trước khi đưa vào trồng nấm phải qua bước lựa chọn và xử lý:
+ Đối với nguyên liệu mùn cưa nên chọn mùn cưa cây gỗ mềm, không có chứa tinh dầu, tốt nhất nên dùng mùn cưa cây cao su, bồ đề.
+ Nguyên liệu bổ sung: cám bắp, cám gạo, bột nhẹ (CaCO3) (riêng cám bắp, cám gạo phải là loại mới, không có mùi hôi).
+ Nước vôi: 1 - 2% (10 lít nước 100 - 200 gr vôi bột).

- Lưu ý: Nước đưa vào xử lý phải là nước sạch.

a) Xử lý nguyên liệu
Nguyên liệu mùn cưa, bã mía trước khi ủ phải phơi khô, nếu chưa sử dụng phải bảo quản trong kho.
- Đối với mùn cưa: mùn cưa phải phơi khô trước khi đưa vào bảo quản, càng để lâu càng tốt cho trồng nấm. Vì khi nguyên liệu ẩm thường có nhiều dinh dưỡng thích hợp với nấm mốc làm nhiễm bịch phôi. Mùn cưa mới, tế bào chưa chết hoàn toàn, có thể còn tồn tại các chất kháng nấm, tơ nấm khó phân hủy (thủy phân chậm) năng suất thấp, mất nhiều thời gian nấm mới mọc. Khi mùn cưa để lâu, tế bào của cây đã chết, sợi nấm mọc dễ dàng hơn. Sau khi lựa chọn, mùn cưa được đưa vào ủ theo công thức sau:
+ Mùn cưa khô: 100kg
+ Nước vôi pha loãng (pH:13): 20 - 30 lít

- Sau khi làm ẩm, cho mùn cưa vào đống, quấn nilon xung quanh, giữa đống mùn cưa có cọc thông khí.

- Thời gian ủ từ 6 - 7ngày, giữa chu kỳ có đảo đống ủ. Nhiệt độ đống ủ 70 – 75 độ C.

- Đối với bã mía: sử dụng những loại bã mía không quá ướt, nên phơi khô nguyên liệu từ 12 - 24 giờ trước khi ủ. Công thức ủ bã mía cũng giống như ủ mùn cưa, nhưng thời gian ủ bã mía là 12 - 14 ngày. Tuy lượng nước và thời gian ủ cả hai loại nguyên liệu như trên, nhưng cũng còn tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu khô hay ướt mà ta tự điều chỉnh cho thích hợp.

b) Phối trộn nguyên liệu
- Sau khi nguyên liệu được xử lý (thời gian nhanh chậm tùy thuộc vào từng loại cơ chất khác nhau) nên phối trộn nguyên liệu với nhiều thành phần dinh dưỡng khác.

- Phối trộn nguyên liệu: Nguyên liệu trộn đều, làm ẩm, trộn nhiều lần cho nước ngấm đều trong nguyên liệu. Ẩm độ của nguyên liệu khoảng 65-70%, nghĩa là nếu nấm nguyên liệu (sau khi làm ẩm) trong tay bóp lại thì nguyên liệu sẽ kết khối nhưng nước không nhỏ giọt ra là được.

- Công thức phối trộn:
+ 100 kg nguyên liệu đã tạo ẩm.
+ 2% cám bắp.
+ 2% cám gạo.
+ 1% bột nhẹ.

- Cách trộn nguyên liệu: nguyên liệu sau khi ủ được trộn với các phụ gia theo tỷ lệ như trên, sau đó đảo đều và kiểm tra độ ẩm lần nữa trước khi đưa vào đóng túi.

c) Đóng túi nguyên liệu
- Túi pp dày khoảng 0,5mm và có kích thước 19 x 36 cm, cổ nút, thun, bông, nắp đậy.

- Cách đóng túi: Dùng túi pp, cho nguyên liệu đã làm ẩm vào, nện chặt vừa phải. Nên đóng túi đồng loạt cho đến hết nguyên liệu, không để thừa nguyên liệu qua đêm. Nếu không đóng hết thì phải đưa phần nguyên liệu thừa vào đống ủ để ủ tiếp. Mỗi túi thường chứa khoảng 1,1-1,2kg nguyên liệu. Dùng giấy bìa cứng khoanh tròn làm cổ bịch tra vào làm cổ. Sau đó, dùng 1 cây dài tròn vót nhọn đầu, xoi 1 lỗ ở giữa xuống tận đáy bịch. Sau đó, dùng bông gòn không thấm làm nút bông, dùng giấy bao bên ngoài nút bông hoặc có nắp chụp.

- Khử trùng: Sau khi đóng túi, đưa đi khử trùng trong các nồi hấp. Phương pháp đơn giản nhất là hấp cách thủy trong thùng phuy. Thời gian từ 10 - 12 giờ, nhiệt độ trong túi nguyên liệu đạt từ 95 - 100 độ C.

- Lò khử trùng: Có kích thước lớn nhỏ tùy thuộc vào số lượng nguyên liệu và điều kiện vật chất.

- Túi hấp xong phải có mùi thơm, không bị chua do lên men, nút bông chặt và không ướt. Sau đó chuyển bịch vào phòng cấy đã thanh trùng. Để nguội 24 - 36 giờ rồi tiến hành cấy giống.

4. Cấy giống và nuôi sợi túi phôi
- Cấy giống
+ Cấy giống que: Sau khi túi phôi đưa vào phòng cấy, dùng pince kẹp cây meo giống cho vào túi.
+ Cấy bằng hạt: Phôi đã được làm nguội đưa vào phòng cấy, dùng que sắt khều nhẹ giống từ túi nilon hoặc từ lọ thủy tinh sang túi phôi lắc đều lên trên bề mặt túi. Lượng giống cấy cứ một lọ hoặc một túi giống cấy 200g được 25 - 30 túi phôi.

- Lưu ý: Chọn giống cấy phải đúng tuổi, lúc bào tử (màu đen) mới xuất hiện khoảng 1/2 lọ hay túi, không nên chọn meo quá già hoặc quá non.

- Sau khi cấy giống phải đưa vào nhà nuôi sợi. Phòng nuôi sợi có nhiệt độ thích hợp từ 25 – 28 độ C, độ ẩm không khí 65 - 70%. Nhà kín gió nhưng thoáng. Từ 25 - 30 ngày tơ nấm sẽ ăn kín túi. Khi sợi nấm đã trắng túi cần tăng độ thông thoáng và ánh sáng nhằm mục đích thay đổi môi trường để kích thích tơ nấm kết hợp với nhau nhanh hơn, chuẩn bị hình thành quả thể.

5. Chăm sóc và thu hái nấm
- Chăm sóc: Sau khi tơ nấm ăn kín túi, tháo bỏ bông mục đích là giúp nấm ra trên cổ và tạo được kích thước cũng như hình dạng của tai nấm đồng đều hơn. Khi nấm ra, ở giai đoạn này rất dễ ảnh hưởng do các điều kiện ngoại cảnh. Vì vậy, nhà trồng phải đáp ứng các điều kiện như sau: giữ ẩm tốt ở 85 - 95%, nhiệt độ là 25 – 30 độ C, thoáng, kín gió và sạch sẽ.

- Lưu ý: Phải vệ sinh nhà thật sạch (dùng vôi bột hoặc nước vôi đã pha loãng rắc tưới đều nền nhà trồng) trước khi đưa túi vào.

- Sau khi tháo bông 7 ngày đầu không tưới, nhưng sau 7 ngày (kể từ lúc tháo bông) thì nấm xuất hiện quả thể trên cổ túi. Khi đó, nấm rất cần nước, vì vậy vừa phun sương trước miệng cổ túi phôi vừa tạo ẩm môi trường xung quanh (2 - 3 lần trong ngày). Từ lúc ra đinh ghim đến lúc thu hái là 4 ngày (khi mũ nấm từ màu xám sang trắng xám, đường kính mũ nấm gấp đôi chân nấm).

- Thu hái nấm: Thu hoạch nấm phải đúng tuổi không nên non hoặc già quá.

- Cách thu hái nấm: Dùng tay nắm lấy phần cuống nấm kéo nhẹ và lấy hết cả chân nấm. Khi hái xong đợt 1 phải quan sát và thu hết những chân nấm còn sót lại bên trong cổ túi phôi. Sau đó, tiếp tục chăm sóc như lúc ban đầu và cứ như vậy lặp lại từ 3 - 4 lần là kết thúc quá trình thu hái. Tổng thời gian thu hái nấm từ 65 - 75 ngày, mỗi túi thu hái được 3 - 4 đợt và mỗi đợt cách nhau 20 - 25 ngày. Sau khi thu hoạch hết nấm, túi phôi được ủ làm phân bón.

- Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ Tiền Giang đã phân lập và nghiên cứu thành công quy trình trồng nấm bào ngư Nhật năng suất đạt 43 - 45% so với nguyên liệu đưa vào nuôi trồng. Hướng tới Trung tâm sẽ có những nghiên cứu sâu hơn về giống cũng như kỹ thuật nuôi trồng nhằm nâng cao năng suất cũng như phẩm chất của loại nấm này.

Tài liệu tham khảo:
- Kỹ thuật trồng nấm: Võ Thành Cọng, Văn Mỹ Dung, Phạm Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Hoàng Đức Lung, Trần Văn Minh.
- Công nghệ nuôi trồng nấm: Nguyễn Lân Dũng.
- Trần Đình Đằng, Nguyễn Hữu Ngoan, Kỹ thuật trồng nấm bào ngư.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét