Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

Kỹ thuật nuôi Thỏ New Zealand

Kỹ thuật nuôi Thỏ New Zealand


Kỹ thuật nuôi thỏ New Zealand by Nhà Nông | Ky thuat nuoi tho new zealand

Thỏ Newzealand là một giống thỏ có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên hiện nay, việc chăn nuôi thỏ Newzealand còn khá mới mẻ ở nước ta. Sau đây là một số lưu ý trong quá trình chăm sóc giống thỏ của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây.


Bà con có thể dễ dàng phân biệt thỏ Newzealand với các giống thỏ khác bởi bộ lông dày màu trắng tuyền, mắt hồng. Khối lượng của một con thỏ trưởng thành vào khoảng từ 5 - 5,5kg/con.

1. Chọn giống
Kết hợp theo cả 2 phương pháp, theo gia phả và đặc điểm cá thể.
- Chọn giống theo gia phả là phương pháp dựa vào lý lịch của các đời, chủ yếu căn cứ vào khả năng sinh sản và sinh trưởng.

- Chọn giống theo cá thể: thỏ hang hái, khỏe mạnh. Ngoại hình cân đối, không có dị tật bẩm sinh, lông bóng, dày, mịn và sáng, vành tai bóng sạch, mí mắt không sung, tròng mắt trong, bàn chân và kẽ chân không ghẻ, thỏ giống tăng trọng trung bình khoảng 30g/ ngày.

- Khả năng sinh trưởng: chọn những con sau cai sữa, 30 ngày tuổi, đạt trọng lượng khoảng 650 - 700g, thỏ hậu bị đạt trọng lượng 3 – 3,5kg.

2. Xây dựng chuồng trại
- Nguyên liệu: có thể tận dụng các vật liệu đơn giản như gỗ, tre, nứa, hoặc sắt, thép để làm chuồng cho thỏ.

- Chuồng nuôi cần được xây dựng ở nơi yên tĩnh, xa khu dân cư, tránh cho thỏ tiếp xúc với các loài động vật khác đặc biệt là chuột.


- Kích thước chuồng: 100cm, rộng 60 cm, cao 40 cm; có cửa để thuận tiện cho việc bắt, thả thỏ.

- Ngoài ra trong yếu tố chuồng nuôi bà con cần lưu ý đến công tác chuẩn bị máng ăn, máng uống, ổ đẻ cho thỏ mẹ. Ổ đẻ có kích thước chiều dài 25cm, chiều rộng 30 cm, cao 25 cm.

3. Thức ăn, nước uống
- Thức ăn cho thỏ được chia làm 2 loại là thức ăn thô và thức ăn tinh.Thức ăn thô là cỏ, rau, củ, quả. Vì là động vật gặm nhấm nên thức ăn thô của thỏ chiếm 70 - 80% khẩu phần thức ăn hàng ngày, lượng cho ăn vào ban đêm nhiều gấp 2 - 3 lần ban ngày.

- Thức ăn tinh bao gồm các loại hạt chính phẩm hay phế phụ phẩm nông nghiệp như ngô, khoai, sắn, cám ngô, cám gạo....

- Ngoài ra bà con có thể cho thỏ ăn thêm thức ăn viên tổng hợp được bán phổ biến tại các đại lí thức ăn chăn nuôi.


- Cần lưu ý cho thỏ ăn lượng thức ăn vừa đủ hàng ngày, tránh để lại thức ăn thừa rơi vãi xuống sàn làm mồi nhử cho các loài gián, chuột. Tuyệt đối không cho thỏ ăn những loại thức ăn đã ôi mốc.

- Cho thỏ uống nước sạch đầy đủ mỗi ngày, nên xây dựng hệ thống máng nước tự động cho thỏ uống. Đặc điểm của loại máng nước tự động này là, khi có nhu cầu uống nước, thỏ chỉ việc liếm vào vòi nước, là nước có thể tự động chảy.

4. Kỹ thuật chăm sóc
a) Thỏ giai đoạn sinh sản:
- Khi thỏ đạt khoảng 5 háng tuổi bà con tiến hành cho ghép đôi và phối giống cho thỏ, để đến khi thỏ 6 tháng tuổi đẻ lứa đầu tiên là tốt nhất. Với thỏ lần đầu tiên sinh sản, thì không có biểu hiện động dục ra bên ngoài, chủ yếu dựa vào tháng tuổi để cho thỏ phối giống. Còn với các thỏ đã sinh sản thì kiểm tra thấy niêm mạc âm hộ của thọ sưng, mảy và có màu đỏ nghĩa là thỏ có biểu hiện động dục.

- Bà con nên lựa chọn những con thỏ bố mẹ, có thể hình, thể trạng tốt, tránh hiện tượng đồng huyết, gây ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Sau khi tiến hành cho phối, bà con cần lưu ý quan sát, theo dõi đàn thỏ giống nếu thấy có hiện tượng động giống thì phải tiến hành cho phối giống lại.

- Thỏ mang thai 28 - 32 ngày. Trong thời gian này, cần tiến hành nuôi tách riêng con thỏ chửa để tránh hiện tượng thỏ đùa giỡn làm động thai. Trong giai đoạn này bà con cũng cần cho thỏ ăn nhiều và đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi thai.

- Thỏ thường đẻ vào ban đêm, mỗi lứa đẻ 6 - 8 con hoăc nhiều hơn. Trước khi đẻ có hiện tượng nhổ lông làm ổ. Bà con cần hỗ trợ thu dọn ổ, lấy giẻ sạch mềm lót cho ổ.


- Thỏ sau khi đẻ 3 - 4 ngày có thể động dục và phối giống tiếp. Trong thời gian thỏ mẹ cho con bú, bà con cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, nên bổ sung cho thỏ mẹ uống nước đường hoặc ăn mía để tiết nhiều sữa và phục hồi sức khỏe.

b) Thỏ con:
- Đối với thỏ con theo mẹ, thỏ con có thể uống sữa mẹ ngay sau khi sinh. Trong 18 ngày đầu, thỏ phát triển dựa hoàn toàn vào sữa mẹ. Sau 21 ngày thì cho thỏ con ra ổ, cai sữa. Có 3 cách cai sữa:
+ Cách truyền thống: Đưa toàn bộ thỏ con sang chuồng mới để nuôi vỗ béo, làm giống hậu bị, có nơi để chung nhiều đàn con cùng ngăn chuồng mới. Phương pháp này sẽ gây tác nhân kích thích bất lợi làm thỏ chết nhiều.
+ Nuôi thỏ con 1 giai đoạn: Khi cai sữa, để riêng từng đàn thỏ con theo lồng thỏ mẹ và tách thỏ mẹ ra chuồng khác. Đàn con được nuôi đến khi xuất sản phẩm hoặc chọn hậu bị giống.
+ Nuôi thỏ con bán giai đoạn: Đưa thỏ mẹ sang chuồng khác để đàn thỏ con nuôi tại chỗ thêm 2 - 3 tuần rồi mới chuyển đi nuôi ở chuồng khác.
Hai phương thức sau tốt hơn phương thức truyền thống.

- Trong giai đoạn thỏ cai sữa, nên tập cho thỏ con ăn thêm các thức ăn thô xanh mềm như cỏ non để bổ sung dinh dưỡng cho thỏ con, ăn theo định lượng tăng dần.

c) Công tác vệ sinh phòng bệnh:
- Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Khi mắc bệnh thỏ rất dễ chết, thậm chí là chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

- Vì vậy, để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

- Để phòng trừ dịch bệnh cho đàn thỏ bà con cần lưu ý, tiến hành tiêm phòng một số bệnh cho thỏ như, bệnh viêm mũi, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng, bệnh bại huyết, đau bụng ỉa chảy…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét