Đặc điểm sinh học Tôm Hùm Bông
Đặc điểm sinh học tôm hùm bông by C.ty TNHH MV | Dac diem sinh hoc tom hum bong
1. Nguồn gốc, vị trí phân loại
Tôm hùm có nhiều loài, ở vùng biển Ấn Ðộ - Tây Thái Bình Dương có tất cả 11 loài, trong đó vùng biển từ Phú Yên đến Bình Thuận có 7 loài : Tôm hùm bông (hùmsao), tôm hùm đá (hùm xanh), tôm hùm đỏ, tôm hùm ma, tôm hùm vằn, tôm hùm mốc và tôm hùm sỏi. Ở Việt Nam có 3 loài chiếm sản lượng đáng kể là : Tôm hùm bông, tôm hùm đá (hùm xanh) và tôm hùm đỏ, trong đó tôm hùm bông là loài có kích thước và số lượng tương đối lớn. Hệ thống phân loại của tôm hùm bông như sau:
- Ngành Arthropoda
- Lớp Crustacea
- Bộ Decapoda
- Họ Palinuridae
- Giống Panulirus
- Loài P. ornatus (Tôm hùm bông, hùm sao).
Panulirus longipes
Panulirus homarus
Panulirus versicolor
2. Ðặc điểm phân bố
- Trên thế giới tôm hùm phân bố chủ yếu ở các vùng biển Nhiệt đới đến Á nhiệt đới như: Úc, Ðài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Inđônêsia,..
- Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, đặc biệt phân bố nhiều ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
- Phân bố theo độ sâu: Tùy vào giai đoạn phát triển và tùy vào từng loài mà chúng phân bố theo độ sâu khác nhau. Ở giai đoạn trưởng thành tôm hùm bông thường phân bố ở độ sâu từ 20m trở lên, ở giai đoạn ấu trùng và con non chúng thường phân bố ở các bãi rạn, đá san hô ở độ sâu từ 2 - 10m nước.
- Tôm hùm thường sống ở các bãi rạng đá, rạng san hô nơi có nhiều hang hốc, khe rãnh ven biển. Chúng có tập tính sống quần tụ chủ yếu là ở tầng đáy với chất đáy sạch, không bùn. Ban ngày trú ẩn trong các hang đá ít hoạt động, ban đêm hoạt động tích cực tìm mồi.
- Tôm hùm sống thích hợp ở các vùng biển có độ mặn từ 30 - 36 ‰, nhiệt độ từ 25 – 32 độ C.
3. Ðặc điểm dinh dưỡng
Tôm hùm là loại động vật ăn tạp, trong tự nhiên chúng ăn chủ yếu là các loại động vật như: Cá, tôm, cua ghẹ, cầu gai, giáp xác nhỏ, nhuyễn thể,...ngoài ra còn ăn các loại thực vật như rong rêu., chúng thường có tập tính bắt mồi tích cực vào ban đêm và tờ mờ sáng. Tuỳ vào giai đoạn phát triển mà nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, tôm càng nhỏ thì nhu cầu dinh dưỡng càng cao, ở giai đoạn trước lột xác 2-4 ngày tôm ăn rất mạnh, giai đoạn lột xác tôm sẽ ăn chậm lại.
4. Ðặc điểm sinh trưởng
Tôm hùm cũng như nhiều giáp xác khác sinh trưởng thông qua quá trình lột xác. Ở giai đoạn tôm còn nhỏ chu kỳ lột xác ngắn, tôm càng lớn chu kì lột xác càng dài, sau mỗi lần lột xác thì kích thước và khối lượng của tôm tăng lên rất nhiều. Nhìn chung thì tôm hùm có chu kỳ lột xác dài hơn so với các loài giáp xác khác, do vậy tốc độ tăng tưởng của chúng tương đối chậm.
5. Ðặc điểm sinh sản
- Tôm hùm P. ornatus sinh sản rải rác quanh năm, nhưng mùa vụ sinh sản chính từ tháng 8 đến tháng 9 hàng năm.
- Sức sinh sản của tôm hùm tương đối lớn và chúng có thể đẻ nhiều lần trong một năm(thường là 2 lần/năm) . Tôm hùm có kích thước vỏ đầu ngực từ 90 - 99 mm đã bắt đầu tham gia sinh sản. Tôm hùm khi đẻ trứng được giữ ở các chân bơi sau một thời gian trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng này trải qua một loạt các quá trình biến thái để trở thành tôm hùm con có hình dạng giống tôm trưởng thành. Từ lúc trứng nở đến giai đoạn "tôm trắng" kéo dài khoảng 10 - 12 tháng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét