Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Kỹ thuật trồng Hẹ

Kỹ thuật trồng Hẹ


Kỹ thuật trồng hẹ by ST | Ky thuat trong he

1. Tổng quan
Hẹ là một loại rau ăn lá phổ biến, được nông dân trồng nhiều vì vốn đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn các loại rau ăn lá khác. Cây hẹ được dùng làm gia vị trong các bửa ăn hàng ngày. Lá hẹ có thể dùng thay thế lá hành, thường để muối chua với giá đậu, ăn sống...

2. Đặc điểm thực vật
- Cây hẹ là cây thân thảo, cây giống một loại cỏ, thường có chiều cao khoảng 20 - 50 cm tùy đất và mùa vụ. Cây hẹ có mùi đặc biệt, giò hẹ nhỏ hơn giò hành, dài, mọc thành túm và có rất nhiều rễ con.


- Lá hình dẹp, dài, bản lá hẹp, nhưng dày. Cây hẹ thường có 4 - 5 lá, dài 10 - 30 cm, rộng 1,5 - 10 mm, đầu lá nhọn. Hoa hẹ mọc trên 1 cọng hoa kéo dài hơn. Các hoa tụ lại thành hình xim nhưng co ngắn lại thành một tán giả. Cọng hoa có hình gần giống 3 cạnh. Hoa màu trắng, cuống hoa dài trên 10 mm. Trái hẹ khi khô dài 4 - 5 mm có đường kính trái khoảng 3 - 4 mm. Hạt nhỏ, màu đen, cây hẹ thường ra hoa vào tháng 6 - 8, cho trái từ tháng 8 - 10.

- Cây hẹ cũng thuộc họ hành tỏi (Liliaceae), có các đặc tính sinh học giống như hành và tỏi. Ưa nhiệt độ mát (20 – 25 độ C), ánh sáng mạnh. Bộ rễ ăn nông, khả năng chịu hạn và chịu úng kém. Bộ phận sử dụng gồm cả củ, lá và hoa.

3. Giống
- Đặc tính của cây hẹ là hay bị chết nhát là trong giai đoạn mới trồng. Để hạn chế hiện tượng này, trước khi trồng cần cắt bớt rễ của cây giống. Làm như vậy thì khả năng tái sinh của rễ sẽ tốt hơn và cây sẽ tạo chồi nhánh nhanh, khỏe giúp hạn chế hiện tượng chết nhát.

- Hẹ có thể trồng bằng thân (căn hành) hoặc bằng hạt, tuy nhiên đa số là sử dụng giống địa phương và trồng bằng thân.

- Giống lá lớn: là giống được trồng nhiều với diện tích lớn vì năng suất cao nhưng phẩm chất kém.

- Giống lá nhỏ: chất lượng cao nhưng năng suất thấp, diện tích trồng ít.

4. Kỹ thuật trồng hẹ
a) Thời vụ
Cây hẹ trồng được quanh năm, tuy vậy thường được trồng nhiều vào tháng 10 - 11 để thu hoạch vào dịp tết âm lịch.

b) Đất trồng
- Chọn đất: đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ, tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát, đất phải chủ động được hệ thống tưới và tiêu nước tốt. Sau khi trồng được 10 - 12 tháng phá bỏ gốc, thay đổi đất bằng cách lấy đất tầng sâu đưa lên tầng trên.

- Làm đất: đất sau khi cày xới, lượm sạch cỏ, xử lý vôi 50 - 100 kg/1.000 m2, đất được phơi khô 15 - 20 ngày, để cây sinh trưởng tốt và hạn chế sâu bệnh.

- Lên liếp: cao 0,2 - 0,3 m, ngang 0,8 - 1 m, rãnh sâu 20 - 30 cm, nhầm hạn chế úng và thoát nước tốt trong mùa mưa.

c) Cách trồng:
- Trồng bằng thân: hẹ được tách ra từng tép, trồng mỗi bụi từ 3 - 4 tép, khoảng cách 15x15 cm, lấy tay ấn mạnh đất cho chặt, sau đó phủ liếp bằng rơm rạ mục mỏng, tưới nước đủ ẩm.

- Trồng bằng hạt: phương pháp này áp dụng khi có hạt giống, đất cũng được lên liếp như trường hợp trồng bằng củ nhưng đất mặt cần tơi mịn hơn. Có thể gieo vãi đều trên mặt liếp hoặc rãi theo hàng như trồng bằng thân, gieo xong trộn nhẹ với lớp đất mặt. Để bảo đảm nảy mầm đều, hạt hẹ ngâm vào nước ấm 35 – 37 độ C trong 4 - 6 giờ, sau đó trộn với tro bếp, vò hạt giống cho tơi rồi gieo. Tưới nước đủ ẩm để hạt hẹ mọc đều.

* Lưu ý: Sau khi hẹ lên được 7 - 10 ngày cần tưới thêm urea 3 - 5 kg/1.000 m2 đất, đến khi hẹ được 10 - 15 cm nhổ cả đất, cấy ra liếp khác. Hẹ dễ sống, dễ nảy chồi, nên khi trồng thân, hẹ mọc tốt, ta vẫn tỉa trồng ra liếp khác như hẹ gieo bằng hạt.

d) Nhu cầu phân bón (tính trên diện tích 1.000 m2)
- Lượng phân: phân chuồng 2 - 3 tấn (hoặc phân hữu cơ vi sinh 20 - 30 kg), phân urê 25 kg, DAP 10 kg, KCl 5 kg, Super lân 20 kg.

- Cách bón:
+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh + 20 kg Super lân + 5 kg Urê + 5 kg KCl.
+ Bón thúc:
Lần 1: 7 - 10 ngày sau khi trồng 10 kg Urê+5 kg DAP
Lần 2: 15 - 20 ngày sau trồng 10 kg Urê+5 kg DAP.

e) Kỹ thuật chăm sóc
- Hẹ được trồng hoặc gieo dày nên rất có khả năng cạnh tranh với cỏ dại. Vì vậy việc làm cỏ cho hẹ không tốn công lắm. Mỗi lần tưới phân cho hẹ kết hợp nhổ bỏ các cây cỏ mọc giữa liếp hoặc xung quanh liếp. Ta thường gặp các loại cỏ chát, cỏ gấu và các loại cỏ lá rộng nên cần nhổ tận gốc phơi cho chết hoặc đào hố lấp xuống đất.

- Tưới nước mỗi ngày 3 lần, đến khi cây hẹ đã bén rễ và phát triển tốt thì chỉ cần tưới mỗi ngày 2 lần, tránh tưới vào buổi trưa.

- Công việc chăm sóc chính là bón phân, vun gốc, nhổ tỉa và trồng dặm. Hẹ thường ít bị các loại sâu bệnh phá như những cây trồng khác. Vì vậy công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên hẹ cũng đơn giản. Trước mỗi lần tưới phân chỉ cần bón một ít tro bếp quanh gốc hẹ, sau đó hòa phân tưới chỗ gần gốc, dùng cào nhỏ xới giữa hai hàng hẹ, vun nhẹ vào gốc làm cho đất tơi xốp, hẹ phát triển nhanh.

- Ngoài ra, trồng hẹ còn có thể áp dụng phủ liếp bằng màng phủ nông nghiệp để hạn chế côn trùng và bệnh gây hại, ngăn ngừa cỏ dại, điều hòa độ ẩm và giữ cấu trúc mặt đất, giữ phân bón, tăng nhiệt độ đất, hạn chế độ phèn, mặn

f) Phòng trừ sâu bệnh
- Sâu đục gân lá: làm cho lá có màu trắng, sọc, dùng thuốc Match 50ND, Success 25SC...

- Bệnh vàng lá: lá vàng từng chòm: giảm phân, giảm nước, rải tro bếp + vôi theo tỷ lệ 1:5

- Bệnh thối nhũn, tiêm lửa: nhổ bỏ cây bệnh

5. Thu hoạch
- Do khả năng tái sinh của hẹ rất dễ dàng nên ta cắt lá hẹ, chừa lại 2 đến 3 cm trên mặt đất, đến chiều tưới nước đủ ẩm, hôm sau hẹ mọc lá non lên, sau đó lại tưới phân để hẹ mọc nhanh.
+ Đợt 1: 55 - 60 ngày sau khi trồng
+ Đợt 2: 30 - 35 ngày sau khi thu hoạch đợt 1
+ Đợt 3, 4, 5, 6: cách nhau 30 - 35 ngày.

6. Cách lưu giữ giống
Tùy theo tập quán trồng hẹ bằng thân hay trồng hạt mà ta có các cách để giống khác nhau.
- Để giống bằng thân: luống hẹ được nhổ tỉa cây để ăn hoặc bán, chừa lại cây khỏe mọc đều theo khoảng cách cây cách cây 12 - 15 cm, sau đó bón thêm phan lân, tro bếp, bánh dầu, vun nhẹ gốc, tưới nước, chăm sóc để hẹ có củ to, mập. Khi cần trồng hẹ gấp có thể nhổ cây, vặt bớt lá đem trồng như đã nói ở trên. Hoặc chờ hẹ có củ chắc, lá tàn bớt, nhổ cả cây buộc túm, treo trên dây, phơi trong bóng râm, sau phơi ngoài nắng, rồi đem bảo quản để trồng vụ sau. Cần kiểm tra củ thường xuyên vì hẹ có thể bị thối củ trong quá trình bảo quản. Trường hợp phát hiện có thối củ, cần loại bỏ, đem hẹ phơi ngoài nắng 5 đến 6 giờ lại đem vào bảo quản, chú ý không để thành đống to, nhiệt độ cao dễ thối.


- Để giống bằng hạt: cũng để cây hẹ tốt trên liếp, chăm sóc cho hẹ ra hoa, kết trái, thu trái về, chà lấy hạt (chỉ chà nhẹ bỏ bớt vỏ ngoài) phơi khô ở nhiệt độ 35 – 40 độ C, để nguội, cho vào chai lọ, đậy kín để gieo vụ sau. Trong thực tế nhu cầu trồng hẹ chỉ có trên diện tích nhỏ, từ khi trồng đến lúc thu hoạch hạt chiếm nhiều thời gian nên phương pháp trồng bằng hạt ít được áp dụng vì nông dân cần giải phóng đất quay vòng vụ khác, cây khác.


Nguồn: ThS. Trần Thị Ba - Bộ môn Khoa Học Cây Trồng - Khoa Nông Nghiệp & Sinh học ứng dụng - Trường ĐHCT.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét