Thông tin Nestlé thu mua Cà Phê phạm luật
Thông tin Nestlé thu mua cà phê phạm luật by DĐCP | Thong tin nestle thu mua ca phe pham luat
Từ một bản tin trên Bloomberg được các báo tại Việt Nam dịch ra, tạo ra vấn đề: “Nestlé muốn mua cà phê trực tiếp với nông dân Việt Nam”. Từ đây, các công ty cà phê Việt Nam bức xúc và dư luận âm ỷ trong vài ngày qua.
1. Có phải do sự nhầm lẫn
- Phó GĐ truyền thông của một công ty cà phê Việt Nam phản ánh: “Trong những ngày vừa qua, trên các kênh truyền hình và báo chính thống đều đăng thông tin về việc Nestlé sẽ tăng mua trực tiếp từ nông dân”. Cụ thể, dịch lại lời ông Rashid Qureshi – GĐ điều hành Nestlé Việt Nam – được dẫn theo Bloomberg (Mỹ), một số báo cho biết Nestlé thúc đẩy kế hoạch thu mua cà phê nhân trực tiếp từ nông dân, thay vì ở mức chỉ từ 12.000 - 14.000 tấn trong năm 2012 này, sẽ tăng lên 60.000 tấn mỗi năm trong những năm tới.
- Theo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007 quy định chi tiết Luật Thương mại, trong mục 2 quy định: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp phép thực hiện quyền XK được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối hàng hóa đó để XK (mục 2.1). Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền XK không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu (mục 2.2). Chính vì thế, các công ty cà phê Việt Nam cho rằng việc Nestlé thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân là trái với quy định pháp luật hiện hành.
- Các Doanh nghiệp Việt Nam thực sự lo ngại rằng việc Nestlé mua trực tiếp cà phê từ nông dân sẽ ảnh hưởng tới họ vì về tương quan, Nestlé có tiềm lực tài chính mạnh hơn nhiều lần, có thể hỗ trợ nông dân trồng cà phê theo công nghệ sạch và mua giá cao.
- Trước đây, UBND tỉnh Đắc Lắc đã từng có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép công ty liên doanh Man – Buôn Ma Thuột (có vốn của Doanh nghiệp Anh quốc) được trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Lý do được UBND tỉnh đưa ra là công ty này đã liên kết với nông dân trồng 3.676ha cà phê sạch 4C với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm, nếu không cho trực tiếp thu mua thì Doanh nghiệp này bị thiệt thòi.
- Từ trường hợp này, các Doanh nghiệp Việt Nam lo ngại dù chưa được chấp thuận nhưng có thể Nestlé vẫn âm thầm mua vào cà phê trực tiếp từ nông dân. Tuy nhiên theo ông Vũ Quốc Tuấn – GĐ đối ngoại của Nestlé Việt Nam, thông tin trên là do nhầm lẫn trong quá trình dịch thuật bản tin của Bloomberg từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
2. Lời giải thích của Nestlé
- Trả lời giới truyền thông, ông Tuấn cho biết “60.000 tấn cà phê mà các báo nhắc tới là số cà phê đạt chuẩn 4C trong 5 năm tới nằm trong dự án “Nescafé Plan” mà công ty đã triển khai từ tháng 8.2010”. Trong chương trình này Nestlé hỗ trợ nông dân về đào tạo, giống, công nghệ sau thu hoạch để sản xuất bền vững từ đó cung ứng nguồn cà phê chất lượng cao ổn định cho Nestlé.
- Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Tuấn cho biết: Nestlé có hai nhà máy chế biến ở Việt Nam, chứ không phải công ty thương mại, vì thế hoàn toàn được quyền mua cà phê nguyên liệu trực tiếp từ nông dân cung cấp cho hai nhà máy. Thứ hai, dù có quyền mua trực tiếp từ nông dân nhưng trong những năm qua Nestlé đã không làm thế, vì “không thể đánh chiếc xe tải năm tấn đi lòng vòng mua nhỏ lẻ được, mà mua qua các công ty trung gian nguyên liệu đã qua sơ chế mới đạt chuẩn”. Thứ ba, ông Tuấn cho biết Nestlé đang cắt ngắn chuỗi cung ứng để đến gần nông dân hơn, bằng cách xây dựng kho trung chuyển tại Đắc Lắc.
- Trong những năm qua, bình quân hằng năm Nestlé thu mua khoảng 250.000 tấn cà phê nguyên liệu tại Việt Nam, tương đương từ 20 - 25% tổng sản lượng để cung ứng cho các nhà máy tại Việt Nam và ở những nước khác chế biến. Tuy nhiên, chi tiết được cho rằng Nestlé thúc đẩy mua trực tiếp lại không phải con số trên, mà chỉ là 60.000 tấn trong những năm tới, rất trùng khớp với sản lượng cà phê 4C được ông Tuấn đề cập. Và liệu lượng mua trực tiếp ấy có phải để chế biến tại Việt Nam hay đưa ra nước ngoài chế biến rất cần được làm rõ. Nếu mua trực tiếp để XK chế biến tại nhà máy của Nestlé ở các nước, thì vẫn có thể xem như vi phạm quy định hiện hành.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét