Bệnh thán thư và chảy nhựa trên bưởi Da Xanh by Sở NNBT | Benh than thu va chay nhua tren buoi da xanh
Trong mùa mưa bưởi Da xanh thường bị nhiễm nhiều loại bệnh, trong đó, bệnh thán thư và bệnh thối gốc chảy nhựa là hai đối tượng dịch hại phổ biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất bưởi.
I. Bệnh thán thư
1. Tác nhân gây bệnh
- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides PenZ gây ra. Bệnh gây hại trên lá và trái. Trên lá, bệnh tấn công bất cứ vị trí nào nhưng thường bệnh gây hại ở chóp lá và rìa lá vào. Vết bệnh có màu vàng nâu, hình hơi tròn, bệnh nặng vết bệnh lớn dần, xung quanh có viền nâu đậm, giữa vết bệnh màu vàng nhạt, vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và trên bề mặt vết bệnh có những chấm đen nhỏ li ti, đó là các ổ nấm và làm cho vòng đồng tâm có màu đậm hơn. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành từ mãng lớn, lá rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây. Trên trái bệnh, xuất hiện những đốm nhỏ tròn, màu vàng nhạt trên vỏ trái, vết bệnh hơi lõm vào vỏ. Nơi vết bệnh vỏ bị khô sần sùi, bệnh càng nặng vết bệnh càng lan rộng, đôi khi bị nứt ra ngay vết bệnh và có nhựa chảy ra trong điều kiện ẩm độ cao. Trái có thể bị thối. Nấm bệnh có thể gây hại trên cành non làm cành bị héo khô.
- Bệnh thán thư phát triển và gây hại nhiều trong mùa mưa. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư thực vật, các bộ phận bị bệnh và theo gió phát tán lây lan. Các trái nằm khuất trong tán cây thường bị bệnh nặng hơn.
2. Biện pháp phòng trị
- Hàng năm sau thu hoạch nên tỉa cành cho thông thoáng, loại bỏ và tiêu huỷ các lá và trái bị bệnh.
- Khi phát hiện cây bị bệnh không nên tưới nước lên tán cây để hạn chế lây lan.
- Thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm sử dụng một trong các loại thuốc sau ( phun khi bệnh mới chớm): Mancozeb 80WP, Daconil 75WP, Antracol 70WP,…
II. Bệnh chảy nhựa
1. Tác nhân gây bệnh
- Bệnh nứt thân chảy nhựa trên bưởi Da xanh cũng là một bệnh khá phổ biến trong mùa mưa. Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh thường phát sinh trước ở phần gốc thân. Vết bệnh lúc đầu là những vết biến màu hơi mọng nước trên vỏ thân. Về sau, vết bệnh phát triển rộng ra, chuyển màu nâu vàng, vết bệnh nứt ra, từ đó chảy nhựa màu vàng , khô cứng lại, vỏ cây bong tróc ra. Cạo lớp vỏ, phần gổ bên trong bị thâm nâu, vết bệnh có thể phát sinh trên cành. Bệnh có thể phát triển vòng quanh thân, cành hoặc rễ chính làm cho các lá bị vàng, nhất là gân lá, sau đó lá rụng đi, bệnh nặng làm lá trên cành rụng gần hết, cành khô chết. Sau đó trên thân mọc nhiều nhánh con nhưng chết sớm.
- Bệnh thường phát sinh mạnh trong mùa mưa. Điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, độ PH thấp thích hợp cho nấm phát triển và gây hại. Những vườn bưởi chăm sóc kém, khó thoát nước là điều kiện tốt cho bệnh phát triển. Bào tử lan truyền qua mưa gió, xâm nhiễm vào thân cây qua các vết nứt hoặc xây xát.
2. Biện pháp phòng trị
- Dùng gốc ghép kháng bệnh như Cam chua, cam 3 lá,…
- Không nên tủ cỏ sát gốc vào mùa mưa, tốt nhất nên tủ cỏ cách gốc 30 - 50cm.
- Hàng năm nên tỉa cành cho thông thoáng, không trồng mật độ quá dày.
- Đất trồng cần cao ráo, thoát nước tốt nhất là trong mùa mưa cần xới xáo cho đất tơi xốp không bị lèn.
- Sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục bón cho cây.
- Dùng thuốc gốc Đồng hoặc vôi quét vào gốc cây một năm 2 lần vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa.
- Khi bệnh chớm xuất hiện, dùng dao cạo hết chổ vỏ cây bị bệnh rồi dùng thuốc Mataxyl 500WP, Ridomil –MZ 72WP, pha đậm đặc quét vào nơi bệnh, quét khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau khoàng 15 - 20 ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét