Đánh tên loài cần tìm vào ô bên dưới để tìm kiếm

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Cách phòng trừ Rầy Nâu hại lúa

Cách phòng trừ Rầy Nâu hại lúa


Cách phòng trừ Rầy Nâu hại lúa by Chi Cục BVTV | Cach phong tru ray nau hai lua


Rầy nâu là một trong vài loài dịch hại nguy hiểm số một trên cây lúa ở nước ta hiện nay. Cả trưởng thành và rầy non đều tập trung ở phần gốc thân cây lúa để hút nhựa, nếu mật số cao có thể gây hiện tượng “cháy rầy”. Ngoài gây hại trực tiếp, rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, một bệnh cực kỳ nguy hiểm cho cây lúa, đã từng gây dịch trên diện rộng ở nước ta cách nay vài năm.

1. Đặc điểm sinh học
a) Phân loại
Tên tiếng anh: Brown backed rice plant hopper
Tên khoa học: Nivaparvata lugens Stah.
Họ: Delphacidae
Bộ: Homoptera

b) Đặc điểm sinh học và sinh thái
- Vòng đời của rầy nâu trung bình kéo dài từ 28 - 30 ngày
+ Giai đoạn trứng: 6 - 7 ngày
+ Giai đoạn ấu trùng: 12 - 13 ngày
+ Giai đoạn trưởng thành: 10 - 12 ngày


- Là loại thích sống quần tụ và khả năng năng sống quần tụ cao. Cả rầy non và trưởng thành đều không thích ánh sáng trực xạ nên rầy nâu sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa, chỉ khi râm mát rầy trưởng thành mới có ở trên mặt tán lá. Khi bị động có thể nhảy lên các bộ phận khác của cây hoặc rơi xuống nước. Rầy có cánh có xu tính với ánh sáng.

- Ngoài ra rầy nâu còn là môi giới truyền bệnh virus trên lúa như bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá. Phân của rầy nâu chứa nhiều đường là môi trường cho các loại nấm phát triển gây nên bệnh bồ hóng ở gốc lúa làm cản trở quang hợp.

c) Đặc điểm hình thái
- Trưởng thành màu nâu có 2 dạng cánh: Cánh dài phủ kín bụng (hình 1) và cánh ngắn phủ khoảng 2/3 thân (hình 4). Hai dạng cánh này đơn thuần là sự biến đổi về hình thái, thể hiện điều kiện môi trường thuận lợi nhiều hay ít. Nếu môi trường bình thường sẽ xuất hiện cánh dài với tỉ lệ đực cái là 1:1, còn trong điều kiện môi trường thuận lợi thì xuất hiện rầy cánh ngắn với tỉ lệ đực cái là 1:3.



- Trứng hình bầu dục cong, một đầu to, một đầu nhỏ có nắp đậy, trong suốt. Trứng được đẻ trong bẹ lá hoặc gân lá (hình 2).


- Ấu trùng có 5 tuổi, mới nở màu trắng ngà sau thành vàng nâu, thân hình tròn, dài 1 - 3 mm (hình 3).


2. Tác hại của rầy nâu và biện pháp phòng trừ
a) Ký chủ
Lúa, lúa hoang, cỏ lồng vực, cỏ gối.

b) Triệu chứng gây bệnh
Rầy nâu dùng vòi để chích hút nhựa cây làm cho cây lúa bị khô héo. Khi rầy nâu chích vào lúa, chúng để lại trên lá, thân một vệt nâu cứng, cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo. Mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy.

c) Biện pháp phòng trừ
- Không nên gieo sạ liên tục, nếu điều kiện cho phép nên có thời gian cho đất nghỉ giữa 2 vụ lúa khoảng 20 - 30 ngày.

- Trước khi xuống giống, cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ, đặc biệt là lúa chét.

- Dùng giống kháng rầy: Tùy theo tình tình thực tế thời vụ, đất đai, tập quán và trình độ canh tác, khả năng đầu tư thâm canh... của từng địa phương mà chọn giống kháng cho phù hợp. Không nên mua giống không rõ nguồn gốc, không lấy lúa thịt để làm giống.

- Không gieo sạ quá dầy, chỉ nên sạ từ 100 - 120 kg giống/ha (hoặc 70-80kg, nếu sạ hàng).

- Gieo sạ đồng loạt và tập trung trên từng cánh đồng, khu đồng, theo lịch chỉ đạo của cơ quan BVTV địa phương để né rầy. Đây là biện pháp chủ động, có hiệu quả rất cao trong việc hạn chế tác hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trong những năm vừa qua.

- Sau khi sạ vài ngày, cho nước vào ruộng với độ cao thích hợp để hạn chế rầy chích hút và truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa non ở đầu vụ.

- Bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, tốt nhất là bón theo bảng so mầu lá lúa, để cây lúa khỏe, có sức chống đỡ với sâu bệnh.

- Làm cỏ tỉa dặm kịp thời để ruộng thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của rầy.

- Không nên dùng thuốc có phổ tác động rộng, để bảo vệ tập đoàn thiên địch trên ruộng lúa...

- Kiểm tra ruộng lúa thường xuyên, để phát hiện sớm và phun xịt thuốc trừ rầy kịp thời. Để phòng ngừa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ở giai đoạn lúa còn nhỏ dưới 20 ngày tuổi, nếu phát hiện có rầy thì phun thuốc. Từ 20 ngày tuổi trở đi, nếu trung bình có 3 con/tép trở lên mới phun xịt.

* Những lưu ý khi phun thuốc:
- Ở giai đoạn đầu vụ, nếu ruộng đa số là rầy nhỏ tuổi thì sử dụng một trong các loại thuốc: Butyl 10WP pha 20gram/bình 8 lít; Butyl 40WDG pha 4gram thuốc/bình 8 lít, hoặc Butyl 400SC pha 4ml thuốc cho bình 8 lít. Xịt 4 - 6 bình/công ruộng (1.000m2). Nếu ruộng đa số là rầy trưởng thành hoặc có cả rầy trưởng thành và rầy non thì dùng Bascide 50EC, pha 20 - 30ml/bình 8 lít (hoặc hỗn hợp Butyl với Bascide) rồi phun 5 - 6 bình/công ruộng.

- Ở giai đoạn lúa lớn, nếu ruộng đa số là rầy nhỏ tuổi thì sử dụng Butyl 10WP, Butyl 40WDG hoặc Butyl 400SC (sử dụng như hướng dẫn ở trên). Nếu ruộng đa số là rầy trưởng thành hoặc có cả rầy trưởng thành và rầy non, thì dùng Dragon 585EC, pha 15 - 20ml/bình 8 lít, rồi xịt 4 - 5 bình/công ruộng (để tăng hiệu quả trừ rầy, nên pha thêm cho mỗi bình xịt 25-30ml dầu khoáng SK-Enspray 99EC). Hoặc có thể dùng Butyl hỗn hợp với Bascide.

- Ngoài ra, có thể dùng Bascide 50EC, pha 20 - 30ml/bình 8 lít, phun 5 - 6 bình/công, hoặc Mipcide 50WP, pha 20gram/bình 8 lít, phun 4 - 5 bình/công ruộng).

- Không phun thuốc lúc cây lúa đang nở hoa, thụ phấn. Phun thuốc vào chiều mát hoặc sáng sớm là thời điểm rầy bò ra nhiều rầy sẽ chết nhiều hơn. Trước khi phun thuốc, nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, dễ trúng thuốc hơn.

- Những ruộng lúa cao cây, ruộng tốt bít bùng, ruộng ở giai đoạn đòng trỗ trở đi, nên rẽ lúa thành hàng cách nhau khoảng 1,5 mét rồi mới phun xịt xuống phần gốc của cây thì rầy dễ chết hơn.

1 nhận xét:

mới biết con rầy nâu nó như vậy luôn á
Hoàng Nguyên Green

Đăng nhận xét